Đọc lại và thương nhớ Nguyễn Khải

Nhớ Nguyễn Khải


NGỌC PHƯƠNG NAM.  Nhà văn Nguyễn Khải đã mất ngày 15. 1. 2008  nhưng trang văn và cuộc đời của ông vẫn tồn tại . Những tác phẩm chính của ông  vẫn tiếp tực thức tỉnh các thế hệ: Tôi viết vậy thì tôi tồn tại;  Xung đột; Mùa lạc;  Gặp gỡ cuối năm; Thời gian của người; Điều tra về một cái chết; Vòng sóng đến vô cùng; Cõi nhân gian bé ti; Nếp nhà; Hà Nội trong mắt ai; Một người Hà Nộị; Chút phấn cho đời; Thượng đế thì cười và … Đi tìm cái tôi đã mất. Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về  ông  những dòng cảm mến: “Nguyễn Khải có một số phận rất Việt Nam. Anh có một tuổi thơ buồn, éo le và cả tủi nhục nữa – cũng như cái “tuổi thơ” của nhân dân mình vậy, rất có thể đắm chìm mãi mãi nếu tự trong anh – lại cũng như tự trong nhân dân mình vậy – không có một sức tự vươn lên kỳ lạ, im lặng, nhẫn nhục, mà kiên trì, kiên định, dũng cảm một cách thực sự là dũng cảm bởi không hề ồn ào, để thành người, một con người đàng hoàng trong cuộc đời, thành đạt trong sự nghiệp và ở đỉnh cao… Cũng từ chính chìm nổi của cuộc đời mình mà Nguyễn Khải hiểu và có quan niệm rất sâu, rất nghiêm về nghề và nghiệp cầm bút. Nghề cầm bút, với anh, trước hết và sau cùng nữa, là nghề làm người. Nghiêm trang và khó nhọc như nghề làm người…Nguyễn Khải không mất, nhà văn rất thời sự ấy lại cũng là nhà văn của tương lai”. Triệu Xuân  nhận xét: “Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.”

NHỮNG LỜI ANH GỬI LẠI

“Trên cuộc đời không có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải vượt qua được những ranh giới ấy”“Tôi viết vậy thì tôi tồn tại! Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn””Trong gần bảy chục năm sống, tôi không phàn nàn bất cứ đoạn đời nào, những năm tháng nào. Có cái trước thì mới có cái sau, có cái này mới có cái kia. Tôi quan niệm khiếm khuyết là điềm lành, không có gì phải lo nhiều; hoàn toàn là điềm dữ, không chuẩn bị trước thì tai họa có ngày. Mươi năm trở lại đây tôi đã có ý thức điều chỉnh lại cách sống của mình, cố gắng sống thật tử tế, thật đàng hoàng. Bớt đi được một nửa những cái chưa tử tế cũng là tốt rồi. Tôi tự đánh giá là một cây bút nhẫn nại trong cái nghề của mình, chứ không phải là một cây bút tài hoa, có tài bẩm sinh. Nếu không có cuộc Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thì tôi chỉ là một kẻ vô danh, chứ không thể làm được gì nên chuyện. Cho nên chế độ chính trị hiện nay dẫu có bao nhiêu thiếu sót, có bao nhiêu chuyện đáng buồn, đáng giận, tôi vẫn gắn bó máu thịt với hôm nay. Những cái làm được là kỳ tích của dân tộc, chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, (đi tìm cái tôi đã mất) đưa nước Việt Nam, người Việt Nam sang thế kỷ 21″.Nguyễn Khải

Nguyễn Khải: Tôi viết vậy thì tôi tồn tại
Nguyễn Khải: Đi tìm cái tôi đã mất.
Nguyễn Khải (nhà văn) Wikipedia Tiếng Việt
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khải VietnamNet
Tác giả “Mùa lạc” qua đời VnExpress
Thương nhớ nhà văn Nguyễn Khải. Triệu Xuân
Những lời anh gửi lại HK tuyển chọn, Hoàng Đình Quang  bình
28 bài viết chọn lọc về Nguyễn Khải

THƯƠNG NHỚ NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI

Triệu Xuân

Sáng 15-1-2008, tôi được tin nhà văn Nguyễn Khải đang trong khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. 19 giờ, anh trút hơi thở cuối cùng. Ít phút sau, nhà văn Lê Văn Thảo đang họp ở Hà Nội, phone cho tôi, nói: Triệu Xuân thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh túc trực tại Lễ Nhập quan và sẵn sàng mọi việc trong Lễ tang. Sáng sớm 16-1-2008, tôi có mặt tại bệnh viện 115, (quận 10, Tp Hồ Chí Minh), hỏi thăm mãi mới tìm được Nhà Vĩnh biệt. Bệnh viện trong quá trình xây dựng, nhà xác chưa có, đang dùng tạm một căn phòng còn sót lại của dãy nhà cấp bốn chưa san ủi nốt. Anh Khải nằm trong căn phòng rộng hơn hai mét, dài gần ba mét. Tôi đến, Nguyễn Khoa, con trai trưởng anh Khải ra đón. Thấy tôi đưa mắt tìm nơi anh Khải đang nằm, Quang, con trai của chị ruột vợ anh Khải nói: “Chú TX có… kiêng cữ gì không?”. Không! Chú đến chào vĩnh biệt người anh của mình, cháu đưa chú vào, không ngại gì! Cánh cửa bằng sắt hoen rỉ mở ra, anh Khải mặc bộ complet xanh đen, thắt cravat, nằm trên cái không rõ là giường hay phản gỗ, cao chừng một mét. Phòng tối quá, tôi bảo Quang mở điện lên! Nhìn thi thể anh, tôi không cầm được nước mắt. Quang nói: “Khi mổ, nội tạng chú cháu hư hết rồi”! Căn phòng lạnh lẽo quá. Một nhà văn lớn của cách mạng, suốt đời tha thiết với nhân dân, với đất nước mà bây giờ nằm đó, cô đơn, lạnh lẽo…! Bất giác tôi nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa! Tôi bảo Quang: Cháu nói gia đình khẩn trương thắp đèn nhang hoa quả, một đĩa muối, gạo, một ly nước cho anh Khải. Rồi, tôi nắm lấy bàn tay phải lạnh cứng của anh, mắt tôi nhìn vào đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn, vốn là cặp mắt to, sáng đuôi mắt dài, nhân hậu nhưng vô cùng sắc xảo, nhạy cảm và nói to: Anh Nguyễn Khải! Em là Triệu Xuân đến chào vĩnh biệt anh đây. Cầu cho linh hồn anh thanh thản nơi chín suối, mau siêu thoát! Anh sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho gia đình anh, bạn bè thân thiết của anh được khỏe mạnh và luôn luôn may mắn! Tôi vái anh, rồi bước ra ngoài. Lúc đó là 7 giờ sáng. Còn hơn một giờ nữa mới đến giờ làm lễ nhập quan.

Có mười bốn người: ba người con anh Khải: Khoa, Thúy, Hoàn cùng hai con dâu, một con rể với mấy cháu nội, ngoại; năm người đứng tuổi là họ hàng ruột thịt và tôi, ngồi nhìn nhau, lặng lẽ. Tôi chỉ hỏi Khoa một câu về trình tự lễ nhập quan rồi hỏi thêm: Mẹ cháu đâu? “Dạ, mẹ cháu bị bệnh nặng và rất dễ xúc động, không thể ra đây được chú ạ”! Tôi se sắt lòng! Cả cuộc đời người vợ ấy thương chồng, thương con, hy sinh cho chồng cho con, nay anh ra đi trước, để lại chị bệnh tật đến nỗi không thể đến đây vĩnh biệt chồng… Tám giờ ba mươi phút, Nhà sư đến đọc kinh. Tám giờ năm mươi phút, Nhà đòn khâm liệm anh Khải, rồi đúng chín giờ, Lễ nhập quan cử hành. Người ta đổ mấy bao trà lót đáy quan tài rồi đặt thi hài nhà văn lên trên. Nắp áo quan có chừa một mảng bằng mêca trong suốt để gương mặt anh tiếp tục quan sát cuộc đời này thêm hai ngày hai đêm nữa. Có tiếng khóc của Thúy con gái anh, cùng những tiếng nấc nghẹn ngào như cố nuốt lệ vào trong của những người khác. Tôi nhận một nén nhang đã thắp sẵn từ tay Khoa, lặng lẽ vái anh và khấn thầm trước linh cữu. Chín giờ mười lăm phút, tôi cùng mọi người khênh quan tài ra xe tang. Tôi chạy xe gắn máy theo xe chở linh cữu về Nhà Tang lễ thành phố ở 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Mười giờ, xe đến nhà Tang lễ. Anh nằm ở đó hai ngày 16 & 17. Sáu giờ sáng ngày 18-1-2008, Lễ truy điệu diễn ra trọng thể, linh cữu anh được đưa về an táng tại nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức. Phải mất gần hết buổi sáng ngày 16-1 với rất nhiều cú điện thoại, giao dịch với nhiều cấp, nhiều người… Ban Lễ tang mới có phép để anh an nghỉ tại Thủ Đức, vì nơi đây hết đất, nghĩa trang đã dời lên Củ Chi rồi! Thế là hết! Bao nhiêu buồn vui sướng khổ, bao nhiêu vinh quang và cay đắng, bao nhiêu dằn vặt và hối tiếc, bao nhiêu tiếng cười và nỗi đau… từ nay tiêu tan trở về với cát bụi, thế là hết! Anh Khải không còn sống trong cõi nhân gian bé tý này nữa! Tất cả đã khép lại, như đôi mắt thông minh nhạy cảm của anh, vĩnh viễn! Thế nhưng, tôi tin có một thứ không bao giờ mất đi, nó còn mãi với thời gian, với lòng người yêu văn chương ở đất nước này, đó là hàng chục tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch của Nguyễn Khải.

Với văn tài của Nguyễn Khải, người ta nói nhiều đến Gặp gỡ cuối năm, Thượng đế thì cười… Riêng tôi, tôi cũng thích những tác phẩm ấy, nhưng cái tôi thích nhất lại là những tác phẩm anh Khải viết trực tiếp về đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Phật, nghĩa là đề tài tôn giáo, cụ thể là hai cuốn: Xung đột (1959-1961), và Điều tra về một cái chết (1985). Tôi đọc Xung đột từ khi mười hai tuổi, và, tôi bị tác phẩm ấy hớp hồn!

Năm 1963, trong hàng chục cuốn truyện bố mua về cho tôi đầu kỳ nghỉ hè có hai tập Xung đột của Nguyễn Khải do NXB Văn học ấn hành. Tập 1 ra trước tập 2 đúng hai năm, sách mỏng, chỉ có 152 trang 13 x 19; Tập 2 ra năm 1961, 212 trang). Tôi say sưa đọc liền một mạch từ sáng sớm đến khuya hết 364 trang sách. Tác phẩm viết về những người theo đạo Thiên Chúa. Phần lớn họ là những con người lương thiện, hiền hậu, chăm làm, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin và… rất dễ bị các thế lực hắc ám lung lạc! Có lẽ chính vì Xung đột viết về nhà thờ mà ấn tượng tác phẩm này để lại trong cái đầu non nớt của một cậu học trò mới mười hai tuổi rất mạnh mẽ, sâu sắc. Trong cái làng Hỗ công giáo toàn tòng ấy, sao mà có những kẻ ác như thế! Họ ác thế mà tại sao những người dân lương thiện trong đó có không ít cán bộ như chị Nhàn, phó Chủ tịch xã cũng có lúc bị mê hoặc, nghe theo?

Quê tôi là xã An Đức, huyện Ninh Giang, Hải Dương, có ba làng và một trại. Ba làng rặt người bên lương. Trại -làng mới lập ven sông của làng Mũa nên gọi là Trại Mũa, cách làng tôi gần cây số- lại toàn những gia đình bên giáo… Gia đình tôi bên lương. Từ bé tý, không hiểu sao tôi rất tò mò, thích nhìn ngắm tháp chuông, giáo đường, thích nghe tiếng chuông nhà thờ Trại Mũa, thích chơi với trẻ con ở đó. Giáo đường Trại Mũa không lớn, xây ở phía trong đê, ven sông Lê – một nhánh của sông Luộc, đổ vào sông Thái Bình – cho nên từ xa đã hiện ra uy nghi đầy sức lôi cuốn. Lớn lên một chút, mỗi lần theo mẹ qua đò sông Lê để sang chợ Bùi, tôi cứ dán mắt vào nóc nhà thờ Bùi Hòa – một công trình kiến trúc rất đẹp ở bên sông, lớn hơn nhà thờ Trại Mũa rất nhiều- mà ngắm nghía, mà tưởng tượng. Tôi nhìn những người ra vào nhà thờ hành lễ hàng ngày ăn mặc rất đẹp như đi trẩy hội mùa xuân, như nhìn vào một thế giới khác, đầy hấp dẫn! Dân quê tôi nghèo, quanh năm lam lũ, ít khi mặc quần áo đẹp như dân bên giáo. Tôi từng xem rất nhiều lễ cưới ở nhà thờ, thuộc làu bài kinh do cha cố đọc với rất nhiều câu hay ý đẹp, là khát vọng của con người. Tôi thường tha thẩn ở các nhà thờ, chạy nhẩy chán thì múc nước mưa ở bể nước mà uống căng phình bụng mới thôi. Sau này, trong những năm Hoa Kỳ ném bom miền Bắc, tôi còn được bố, chú và cô cho đi thăm nhiều nhà thờ: Lớn nhất vùng là nhà thờ Sặt đẹp mê hồn ở thị trấn Kẻ Sặt, kế đến là nhà thờ Ba Đông thuộc huyện Gia Lộc, và tất nhiên có nhà thờ lớn ở trung tâm thị xã Hải Dương. Khi bom Mỹ san phẳng ga xe lửa Hải Dương thì bom rơi trúng nhà thờ lớn, sụp đổ tan tành. Tôi nhìn cảnh tượng tan hoang và bật khóc! Sau này, khi đã in dấu chân khắp Bắc Trung Nam, cũng như trong các chuyến đi công tác ở nước ngoài, tới đâu có nhà thờ là tôi ghé thăm, chụp thật nhiều ảnh. Tôi có một bộ sưu tập cá nhân ảnh của các nhà thờ ở châu Úc, châu Mỹ, châu Âu.. Có lẽ vì khoái nhà thờ nên khi đọc Xung đột, tôi mê say vì tác giả đã miêu tả tường tận về cuộc sống và số phận của những người bên giáo. Tôi đọc say sưa, chỗ nào không hiểu thì hỏi bố, hỏi bác tôi. Hồi ấy mà đã hơn một lần tôi tự nói thầm: sau này lớn lên, nhất quyết mình sẽ viết tiểu thuyết như ông Khải! Khi vào đại học, tôi đọc lại Xung đột cùng tất cả tác phẩm khác của Nguyễn Khải, và cảm nhận được nhiều điều mà thời kỳ mười hai mười ba tuổi mình chưa nghĩ được. Văn chương Nguyễn Khải sắc xảo, giàu chất chính luận kiểu Lỗ Tấn; khi cần thì chỉ vài dòng khắc họa tính cách nhân vật, vài dòng miêu tả bối cảnh sự kiện cũng đủ lột tả sự quyết liệt như chính mối xung đột trong làng Hỗ những năm sau cải cách ruộng đất, bước vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp. Đó là giai đoạn nhiều niềm vui mới và không ít bi kịch. “Mọi trật tự cũ bị tháo tung ra, và một trật tự mới đang được tổ chức lại. Những thói quen cũ bị sụp đổ, và những thói quen mới đang hình thành. Phá hủy và dựng xây, chấm dứt và mở đầu…”. Có người bảo tiểu thuyết anh Khải nặng về ký sự, thậm chí họ còn cho là đầy chất báo chí. Tôi không nghĩ vậy. Chất chính luận sắc nhọn, tiết tấu nhanh là lối viết hiện đại của các tiểu thuyết gia đương thời trên thế giới. Mà dù cho là tân văn đi nữa thì ở nước mình, dễ dầu gì có nhiều người viết được như Nguyễn Khải. Nếu tôi nhớ không lầm thì đến năm 1957, Xung đột là tiểu thuyết duy nhất, đầu tiên, viết về đời sống dân sự ở miền Bắc sau chiến tranh, được in từng kỳ trên báo suốt hơn một năm. Năm 1959 tập I in thành sách. Mãi đến năm 1962, Vỡ Bờ tập I của nhà văn Nguyễn Đình Thi mới xuất bản, lại cũng viết về kháng chiến (tập II Vỡ bờ ra năm 1970). Nhấn mạnh điều này để thấy Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.

Mãi đến năm 1983, lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc! Từ đó, tôi thường có dịp gần gũi anh. Khi nghe tôi nói về tuổi thơ đam mê chiêm ngưỡng nhà thờ, nói về lần đầu đọc Xung đột, Nguyễn Khải cười rất tươi và từ đấy anh thường chia sẻ với tôi nhiều tri thức anh có được về nhà thờ, về các tôn giáo. Sau chuyến đi Hoa Kỳ về, tôi khoe anh những tấm ảnh chụp nhà thờ của chín tiểu bang ở Mỹ. Anh Khải bảo: “Ông nên xuất bản thành sách bộ sưu tập ảnh nhà thờ, đẹp và quý lắm; cũng như ảnh cây xanh thành phố của ông mà tôi rất thích!”. Hồi đó tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, xe cộ để đi công tác rất dồi dào. Tháng nào tôi cũng đi về các tỉnh bốn năm chuyến, từ 15 đến 20 ngày. Chính nhờ làm Đài mà tôi đã lăn lộn được hết các tỉnh miền Nam, thuộc làu tính cách, tập tục, con người, văn hóa ẩm thực các địa phương kể cả hải đảo. Mỗi lần đi xa, tôi thường rủ những bạn đồng nghiệp mà mình quý mến. Một trong những người đó là anh Khải. Giữa năm 1983, tôi mời anh Khải cùng đi huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi có vô số nhà thờ… Hồi đó, chị Liên, Bí thư huyện ủy, sau được bầu vào Trung ương, lên làm việc ở tỉnh, rất quý tôi. Nửa năm sau, anh Khải cho xuất bản tiểu thuyết Thời gian của người. Năm 1984, tôi mời anh Khải đi lên Công ty cao su Tây Ninh. Giám đốc công ty là ông Huỳnh Lân, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh, người đã coi tôi như con của gia đình. Ông Huỳnh Lân đích thân đưa anh Khải và tôi lên thăm Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Sau, anh Khải còn đi Tây Ninh một hai lần nữa, và được địa phương nhiệt tình giúp đỡ. Gần một năm sau anh xuất bản tiểu thuyết Điều tra về một cái chết. Anh cho tôi đọc tác phẩm ngay từ khi còn là bản thảo. Với quá trình hình thành hai tác phẩm vừa kể, tôi quan sát cách làm việc, thu thập tư liệu của anh Khải và tôi bị anh thuyết phục về sự lịch lãm khi tiếp xúc với mọi người, lúc nào anh cũng khiêm nhường và điềm đạm, không bao giờ anh lên mặt, đòi hỏi, tỏ vẻ ta đây, ngay cả khi anh được địa phương quý yêu và chiều chuộng. Quan trọng hơn, tôi phục anh về phương pháp tư duy cũng như sự khéo léo khi lồng tư tưởng mà mình tâm đắc vào trong tiểu thuyết. Điều tra về một cái chết ra đời khi mà đối trọng của phe Tư bản, tức Liên Xô, không còn nữa. Có một số ý kiến, nhất là của những người theo Cao Đài kịch liệt phản đối tác phẩm. Rồi tác phẩm rơi vào im lặng, không thấy ai lên tiếng về chủ đích sáng tác của tác giả. Đã hai lần tôi hỏi thẳng anh về điều này, anh chỉ nhìn tôi, cái nhìn rất sâu sắc, hóm hỉnh, và anh chỉ cười! Tôi biết anh Khải không chỉ viết về đạo Cao Đài, đó chỉ là cái cớ, mà anh chú tâm viết về cái cách xây dựng đức tin và sự sụp đổ của một đức tin. Xưa nay, người đọc chưa hiểu hết thông điệp chính yếu của tác giả thể hiện trong tác phẩm cũng là sự thường! Điều tra về một cái chết theo tôi, là một tác phẩm có tầm tư tưởng lớn!

Những nhân vật trong các tiểu thuyết: Xung đột, Mùa lạc, Một chặng đường, Hãy đi xa hơn nữa, Người trở về, Chủ tịch huyện, Chiến sỹ, Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí, Thượng đế thì cười, cũng như trong rất nhiều truyện ngắn Nguyễn Khải, in đậm dấu ấn của tác giả, một người thông minh, nhạy cảm, vô cùng sắc sảo và lịch lãm. Anh có đôi mắt rất đặc biệt. Khi quan sát thực tế cuộc sống để làm nên da thịt, hơi thở cho cốt truyện đã hình thành trước đó thì đôi mắt Nguyễn Khải vô cùng nhanh nhạy, nhìn như thấu gan ruột người ta, thấu bản chất của vấn đề. Tôi nhìn vào đôi mắt ấy, khi anh trò chuyện với đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn anh, lại thấy lấp lánh sự chân tình, bao dung và luôn luôn khuyến khích, động viên. Khi gặp các đồng nghiệp trẻ, nếu đã đọc họ, anh thường khen họ, và thường là khen quá lời! (Giá như anh đừng khen quá lời thì hay hơn cho người được khen, bởi không ít người được anh khen lại… ảo tưởng). Tôi cũng được anh đọc những thứ mình vừa xuất bản, và anh thường khen bằng những lời mà tôi nghe phải đỏ mặt vì ngượng, dù rất thích. Cũng đôi mắt ấy, khi anh nhìn những đồng nghiệp cùng trang lứa mà hay tỏ vẻ ta đây, tôi thấy rõ sự thương hại và lóe lên cả sự kiêu ngạo. Anh Khải ghét những ai giả dối và hợm hĩnh về tài năng. Anh bảo: Nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm, qua tác phẩm, ngoài ra, chả cần phải nói gì! Ấy là câu anh nói tại hành lang Hội trường Ba Đình. Hôm ấy, anh Khải, anh Xuân Sách, tôi, Ngô Vĩnh Bình và vài người nữa đang trò chuyện trong giờ giải lao ở Đại hội V, Hội Nhà văn. Có một nhà văn gần bẩy mươi tuổi nói oang oang: “Tôi đang viết sắp xong tiểu thuyết này, tôi đang viết dở tiểu thuyết kia…”. Anh Khải nói nhỏ với chúng tôi: “Mười lăm năm qua còn khỏe mà ông ấy không viết được cuốn nào, nay thất thập, đi đái còn ướt giày thì viết lách gì nữa!”. Và anh nói tiếp như tôi đã dẫn ở trên: Nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm… Anh ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi hội nghị, anh thường ngồi hàng ghế chót.

Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải, giữa năm 1983 tại phòng làm việc của anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Hôm ấy, tôi rón rén đến nhận nhuận bút tác phẩm đầu tay: Những người mở đất. Khi viết xong tác phẩm này, tôi đã tự xóa bỏ hai chữ tiểu thuyết và thay vào chữ Truyện. Có lẽ tôi cũng học theo cách Nguyễn Khải. Phần lớn tiểu thuyết của mình, trong lần in đầu tiên Nguyễn Khải chỉ đề là Truyện! Còn một điểm nữa: Nguyễn Khải viết rất ngắn, chỉ từ 150 trang đến 250 trang là cùng. Tôi nói là rón rén đến NXB là nói thật lòng. Bởi vì tôi không hề quen biết ai, không hề được ai nâng đỡ… Đây là tác phẩm đầu tay, viết xong năm 1979 mà đến đầu năm 1983 mới được in (hồi đó việc xuất bản rất khó chứ không như bây giờ!). Hôm đó, nhận nhuận bút xong, đang tính ra về thì tôi nghe ai đó gọi tên. Thì ra anh Hà Mậu Nhai cho gọi tôi lên phòng anh. Một người đàn ông cao lớn, gương mặt nhang nhác một linh mục Thiên Chúa giáo, đang đứng giữa phòng. Tôi bước vào, anh Nhai vui vẻ bắt tay và quay qua nhìn người cao lớn, giới thiệu: Đây là Triệu Xuân, tác giả Những người mở đất mà ông Khải khen đó! Ô! Hóa ra đây là Nguyễn Khải! Người đàn ông tóc hớt cao, đôi mắt sắc, má hóp (hồi đó ai cũng gầy nhẳng) nhưng nụ cười rất hiền phô hàm răng vổ này chính là tác giả Xung đột, tôi đã đọc từ năm mười hai tuổi! Câu đầu tiên, anh Khải nói với tôi: “Sao ông không đề là tiểu thuyết? Mình đọc một mạch, ông viết khéo lắm, tiết tấu nhanh như phim! Cái đoạn ông viết về phẩm chất đảng viên là… bạo lắm, nhà xuất bản ông Nhai cũng to gan lắm!”. Tôi đỏ mặt, ấp úng, chưa biết trả lời thế nào. Một nhà văn lớp trước mà tôi ngưỡng mộ lại đọc mình, đọc rồi lại còn khen mình, lại bảo mình nên đề tác phẩm là tiểu thuyết! Phút bối rối qua mau, tôi bình tâm lại và trò chuyện lưu loát với hai người anh. Mới gặp lần đầu nhưng anh Khải khiến tôi ngỡ như anh là người nhà, thân thiết! Nửa tiếng sau, thấy anh Nhai có khách, chúng tôi chia tay chủ nhà, ra về. Tôi mời anh Khải đi uống bia để ghi nhớ ngày gặp anh. Anh cám ơn, thân mật từ chối và nói thêm: “Nhuận bút được mấy đồng mà bia bọt gì. Mang về nhà cho cô ấy nuôi con!”. Anh Khải dắt chiếc xe đạp sườn ngang cao lêu đêu và đạp băng băng trên đường Lý Chính Thắng.

Tháng 10-1979, nhà văn Nguyễn Khải chuyển cả gia đình vào sống tại quận Tư thành phố Hồ chí Minh, giữa lúc anh đang nổi như cồn ngoài Hà Nội. Đó là thời gian báo chí nói nhiều về anh sau khi sách anh liên tục ra lò: tập bút ký Tháng ba ở Tây Nguyên, tập kịch Cách mạng, tiểu thuyết Cha và con và… Những năm này đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, chiến tranh biên giới, bị cấm vận, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Câu ca Đầu đường đại tá bơm xe… xuất hiện vào thời này. Đại tá Nguyễn Khải không phải đi bơm xe nhưng sống rất chật vật. Anh viết văn bằng tay, thường bò trên phản mà viết. Cuối năm 1983, gặp anh ở cuộc họp cộng tác viên báo Sài Gòn Giải phóng, anh nói nhỏ với tôi: “TX biết không, đêm qua mình thức viết đến hai giờ, đói quá, mờ mắt, phải buông bút đi nằm. Giá mà có được một lát thịt bò bít tết và mẩu bánh mì lúc đó thì mình đã viết xong cái mạch cảm hứng đang trào đến! Tiếc quá!”. Thương thay cho kiếp nhà văn! Chính tôi cũng nhiều lần như vậy. Vậy mà anh Khải vẫn viết đều đều, sách ra đều đều, cái nào cũng ngăn ngắn, dễ đọc, bán chạy. Anh sống giản dị, lúc nào ra ngoài cũng quần tây, thường là quần bộ đội, áo sơ mi trắng ngắn tay, dép rọ có quai hậu. Rất ít khi thấy anh mang giày, và mặc áo sơ mi tay dài, thắt cravat. Anh không nghiện ngập cà phê, thuốc lá, rượu bia, gái gú lại càng không! Uống một chai bia là anh ngừng, sợ say. Thỉnh thoảng anh nể bạn, nhận một điếu thuốc lá, trông anh cầm thuốc hút y hệt khi cầm đũa! Tôi biết anh Khải quý mến và thân tình với nhiều đồng nghiệp trong đó có nhiều người trẻ. Ai cũng bảo anh xứng đáng là người anh: chân thành, bao dung, biết vui mừng cho niềm vui của người khác. Những năm cuối đời, do bệnh tật, do khoảng cách (có thời gian anh về ở quận 12), anh ít gặp gỡ mọi người. Thế nhưng mỗi lần điện thoại với anh, anh em nói hoài không muốn dứt! Tháng Mười 2006, tôi mời anh đến dự Lễ ra mắt Quỹ Phát triển Tài năng Văn học của báo Sài Gòn Giải phóng- do tôi khởi xướng- anh vui lắm. Anh khen tôi hết lời, nhưng vì bệnh nên anh không đến dự được. Đầu Xuân 2007, tôi mời anh đến dự cuộc gặp mặt của Nhóm Văn chương Hồn Việt. Anh trả lời: TX ơi, mình rất phục ông và anh chị em trong Nhóm Văn chương Hồn Việt về tiêu chí giúp nhau sáng tác, cùng nhau làm việc nghĩa. Giá như mình mới ngoài năm chục tuổi, khỏe mạnh, thì mình xin tình nguyện theo Nhóm Hồn Việt!

Mới đó mà đã hai mươi lăm năm, kể từ lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nguyễn Khải! Một phần tư thế kỷ đã trôi qua! Mới đó mà đã đến giỗ Một trăm ngày anh Khải. Đôi mắt anh Khải đã vĩnh viễn khép lại rồi. Đám tang anh tôi chứng kiến từ đầu chí cuối, có hơn hai trăm sáu chục đoàn và cá nhân đến viếng. Tuy không đông về số lượng như một vài đám tang khác, nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là: Những người đến viếng rất ít người vì ngoại giao, vì nghi lễ, mà hầu hết là vì thương nhớ anh, qúy trọng anh, đau buồn khi anh qua đời. Anh Khải đã sống và sáng tác hết mình, với cả tấm lòng thành luôn hướng về nhân dân, về dân tộc và đất nước. Những tác phẩm của anh để lại là tài sản quý giá của nền văn học, văn hóa Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Ba năm 2008

TÔI VIẾT VẬY THÌ TÔI TỒN TẠI
Nguyễn Khải

HOCMOINGAY. Có những trang viết không nên đọc một lần mà nên đọc lại. “Tôi viết vậy thì tôi tồn tại” của Nguyễn Khải là trang viết nên đọc lại. “Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn”. Ngày xuân, xin thắp nén hương trầm để tưởng nhớ ông.

Vào tuổi 70 tôi đã quyết định: không viết nữa, nghỉ ngơi vài năm cho đầu óc thanh thản rồi chết là vừa đẹp. Nghỉ để chơi với các cháu, học nghệ thuật làm ông cũng là chuyện hay, chứ sao! Chẳng dè lúc cuối đời hai vợ chồng già lại sinh lắm chuyện, chuyện lẩm cẩm của những người già, trẻ con nhìn vào tấn bi kịch cuối đời của bố mẹ như một trò hề, mà người trong cuộc vẫn không nghĩ nó là trò hề để thoát ra một cách nhẹ nhàng.

Mỗi lần bị nhấn chìm trong nỗi thất vọng không lối thoát, nói theo Phùng Quán, tôi lại níu lấy văn chương mà đứng lên. Thế là cuốn tiểu thuyết cuối cùng Thượng đế thì cười được ra đời sau gần một năm miệt mài viết và sửa. Tôi biết cuốn sách sau cùng của tôi cũng chẳng hay ho gì, nhiều bạn đọc bảo tôi đã lẫn nên viết toàn chuyện vớ vẩn, thời nay ai người ta còn quan tâm những chuyện không vui của những cặp vợ chồng già. Tôi thì nghĩ, do tài mình kém nên viết không được hay, chứ với một văn tài thực sự họ chỉ viết toàn chuyện vớ vẩn mà thành kiệt tác cả. Đã gọi là nỗi buồn thì làm gì có sự phân biệt buồn nhỏ với buồn lớn, cái buồn có tầm cỡ và những cái buồn nhỏ nhoi, tầm thường. Cái buồn nào cũng làm người ta không thiết sống nữa, cuộc sống trở nên vô nghĩa, trở nên nặng nhọc, nghẹt thở. Thì ra không cứ phải đói mới có nhu cầu viết văn, viết văn còn là cách để thoát khỏi những ngày sống nhỏ nhen, để khỏi bị nghẹt thở trong một cuộc sống đã dư thừa. (đọc tiếp)

NGUYỄN KHẢI VÀ CẢM NHẬN THỜI ĐẠI

Vương Trí Nhàn
(Tuổi Trẻ Online)

I) Đầu năm 1968, mới chuyển về tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ít lâu thì tôi bị dạ dày hành cho một trận phải nằm vài ngày liền. Bấy giờ cơ quan đang sơ tán ở Hương Ngải Thạch Thất, mọi người cùng ở trong một làng nên đến thăm nhau cũng dễ. Một hôm, sau bữa ăn trưa, Nguyễn Khải ghé lại chỗ tôi. Nghe kể bệnh, ông bảo:

– Thế này thì mày còn viết lách ra sao hở em!?

Tôi nhớ như chôn vào ruột cái câu bâng quơ ấy. Bởi tôi biết đó là tiếng kêu chân thành của một người hết lòng với nghề. Lẽ sống của chúng ta là cầm bút, sáng tác là cái đích của đời ta lại cũng là điều duy nhất khiến ta thấy cuộc sống có ý nghĩa, ông muốn bảo vậy.

Nhìn lại các đồng nghiệp của mình, Tô Hoài từng nói rằng nếu không có Cách mạng tháng 8-1945 chắc chắn nhà văn A thành quan huyện, nhà văn B thành giáo sư, chỉ có riêng ông thời thế thay đổi thế nào chắc ông cũng chỉ chọn nghề văn. Với Nguyễn Khải cũng có tình trạng tương tự.

Thỉnh thoảng ông lại nhắc chuyện hồi mới 27-28 tuổi gì đấy, cơ quan Trung ương Đoàn định đưa ông về chủ trì việc gì đấy nhưng ông không nhận. Rồi một vài lần khác, vừa nghe tin được nhắm sẽ phụ trách chỗ này chỗ nọ, ông liền bắn tin từ chối.

Trong lý lịch văn học của ông, người ta không bao giờ quên ghi ông từng là ủy viên ban chấp hành từ 1963, là thường vụ ban chấp hành từ 1967, và khoảng 1988-1989 có lúc đảm nhận cả cương vị phó tổng thư ký Hội Nhà văn.

Nhưng với tôi, kinh nghiệm tham chính của Nguyễn Khải phần nhiều là kinh nghiệm đáng quên. Ông chỉ quen tồn tại như một người viết. Cái chính là ông rất chóng chán. Mỗi lần thất bại là một dịp để ông nhắc lại với tôi điệp khúc: “Thế này là tôi đi sáng tác được rồi!”.

Chỉ riêng trong sáng tác là ông không chịu nản. Những ai đã từng tiếp xúc hẳn biết ông nhiều khi sống cẩu thả hời hợt, thậm chí là vô trách nhiệm với mọi người. Thế nhưng đó là cái phần khôn ngoan của ông: chỉ cốt sao khỏi bị làm phiền.

Ông luôn luôn tâm niệm rằng cái chính trong con người ông là ở trang viết. Ở đó ông sắc sảo trong việc nhìn nhận sự đời và có tiếng nói của mình trước các vấn đề trọng đại của xã hội. Đồng nghiệp và đông đảo bạn đọc đã và sẽ bỏ qua cho ông nhiều điều, để giữ lại cái phần chính là những đóng góp độc đáo chỉ ông mới có.

II) Mở đầu Xung đột tập I, in ra ở NXB Văn Học năm 1959, có một đoạn tự bạch. Trong các lần xuất bản sau, đoạn văn này thường bị vứt bỏ, nhưng tôi cho rằng để hiểu Nguyễn Khải, nó rất cần thiết:

“Tôi về thôn X, một thôn Công giáo toàn tòng ở miền hạ huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, vào cuối năm 1956 (…). Lúc đầu tôi chỉ có ý định viết một tập ghi chép. Nhưng trong khi ghi chép các nhân vật và thể hiện lên với nhiều vẻ phức tạp của nó thì tôi gặp một khó khăn lớn là bản thân tôi cũng không lường được (V.T.N. nhấn mạnh) rồi đây những vấn đề đó sẽ giải quyết như thế nào, số phận các nhân vật đó sẽ giải quyết ra sao.

Mà mọi sự bịa đặt đều chỉ có thể dẫn đến sai lầm, tôi mới tiếp tục viết thêm những tập sau nữa, hi vọng rằng trong quá trình nghiên cứu tôi sẽ tìm hiểu được những vấn đề đã đặt ra một cách toàn diện hơn”.

Theo tôi, đoạn văn này đã nói rất trúng cái tinh thần căn bản của tiểu thuyết mà một số nhà lý luận như M. Bakhtin, hoặc nhà văn như M. Kundera vẫn thường nhấn mạnh rằng người viết tiểu thuyết và người viết văn nói chung không thể áp đặt cho cuộc đời những sơ đồ có sẵn. Mà phải tôn trọng nó, thấy nó là một cái gì nhởn nhơ trước mặt không dễ gì nắm bắt được, ngược lại phải lo tìm hiểu khám phá, đối thoại với nó.

Và con đường để đi tới văn chương đích thực hàm chứa cả những hứng thú lẫn những tai vạ có thể có. “Tuy vậy nay xem lại cả bốn tập viết rải rác trong hơn một năm thì thấy có nhiều vấn đề còn lơ lửng, con đường đi tới của một số nhân vật chính còn chưa rõ ràng…”.

Khi sách mang in, nhìn lại công việc đã làm, nhà văn tiếp tục tâm sự bằng cái giọng đầy e ngại. Song chỗ tác giả lo lắng đó lại chính là chỗ mạnh, là cái lý do làm nên sự hấp dẫn của cái ông đã viết. Nó không chỉ đúng với Xung đột mà còn đúng với các tác phẩm của Nguyễn Khải nói chung.

Tôi nghĩ rằng rồi đây người ta phải nói về ông, muốn hiểu về văn học VN sau 1945, người ta còn phải nói về ông. Vì đó vẫn là một trong những ngòi bút giàu cảm giác thời đại hơn nhiều người khác.

III) Ở ngòi bút đó, năng khiếu bẩm sinh được nâng đỡ bởi một ý chí tuyệt vời và một công phu tu luyện ít ai bì kịp.

Xã hội Việt Nam vốn có sự ưu ái đặc biệt với nghề viết văn. Vừa bộc lộ một chút năng khiếu, nhiều người đã được cất nhắc lên thành nhà văn chuyên nghiệp, bằng lòng với việc phục vụ đám bạn đọc dễ dãi và cứ thế kéo dài đời viết của mình một cách tẻ nhạt.

Nguyễn Khải có một cách hiểu khác. Ông tự đề ra một yêu cầu cao với mình. Thường người ta chỉ nói về ông như một người nhạy bén trước các vấn đề thời sự. Nhưng nếu chỉ có thế thì làm sao ông có được vị trí trong lòng người đọc như chúng ta vẫn thấy. “Mi là muối, nếu mi không mặn thì còn được việc gì nữa?”.

Nguyễn Khải thường vẫn thích nhắc lại câu ấy như một lời tự nhủ: phải viết cho hay, nếu không thì cầm bút làm gì? Nên nhớ là Nguyễn Khải làm việc này trong hoàn cảnh ông rất có ý thức về chất chính trị, tính xu hướng của tác phẩm mình.

Ở chỗ mà người khác thấy là một sự mâu thuẫn thì ông đã làm được công việc là dung hòa nó. Chẳng những thế, nó làm cho tác phẩm của ông có thêm một bề dày. Có thứ tư tưởng do ông đề nghị. Nhưng lại có thứ tư tưởng toát ra từ những chất liệu mà ông sử dụng.

IV) Nhà văn này vốn có một cảm quan tôn giáo sâu đậm. Xung đột ghi lại tình thế của con người thời đại đang ngổn ngang giữa ngã ba đường, trí thì đã để ở vào cuộc đời trần thế mà lòng vẫn quyến luyến với đức tin.

Hiệu quả kỳ lạ là hồi chống Mỹ, có người nói với Nguyễn Khải rằng mấy vị linh mục cũng đã phải đọc tác phẩm của ông, và đau lòng vì thấy thế giới tôn giáo của mình hiện ra như vậy. Từ chuyện nghe được, trong ông còn mãi cảm giác tự hào chân chính.

Điều này còn được chứng minh bởi một sự thật là sau chiến tranh, Nguyễn Khải được cả những người vốn sống ở Sài Gòn trước 1975 tìm đọc. Tháng 4-2007, gặp nhau ở Hà Nội, tác giả Sông Côn mùa lũ Nguyễn Mộng Giác nói với tôi rằng ở bên Mỹ, một món nghiện của Võ Phiến là Nguyễn Khải. Đọc để bực, để sục sạo khó chịu, nhưng Võ Phiến vẫn cần đọc cả tác phẩm lẫn nghe mọi thứ linh tinh về nhà văn ấy.

Tại sao tác phẩm Nguyễn Khải có sức kích thích đến thế? Một mặt, cái chất cán bộ tuyên huấn không bao giờ từ bỏ ông và suốt đời ông hiểu rằng ngòi bút mình chịu sự ràng buộc của những yêu cầu xã hội, nó trở thành yếu tố độc đáo ở ông hấp dẫn người ta.

Nhưng mặt khác, chất say nghề nghiệp lại vẫn tồn tại và tạo nên cho các trang sách một sức sống nào đó. Cái việc được cả những người khác chính kiến với mình tìm đọc chứng tỏ rằng ở tác phẩm của Nguyễn Khải, vẫn có một phần nào đó thuộc về văn học chân chính. Nếu người ta không đọc ông vì những chủ đề vĩnh cửu, thì người ta lại phải đọc ông vì cái khả năng nắm bắt và kể lại đời sống trong cái thời đại đặc biệt mà ông đã sống.

V) Một chỗ mạnh trong ngòi bút Nguyễn Khải là cảm quan về thời sự. Ông sớm nắm bắt được những đổi thay trong khí hậu chính trị từng thời. Gần nửa thế kỷ nhà văn này đứng ở hàng đầu trong văn học vì những gì ông viết ra khá đa dạng.

Đặc biệt là giai đoạn 1987-1995, khi đời sống văn học có phần cởi mở, và ông thì viết như làm lại mình. Chỉ riêng tập truyện Một thời gió bụi (1993) khiến nhiều người có một ý niệm khác hẳn về nhà văn mà họ đã “chịu” từ 30 năm trước.

Ta hãy để ý đây là thời mà trong văn học bắt đầu xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp. Theo chỗ tôi biết, Nguyễn Khải có sự vì nể riêng với tác giả Tướng về hưu. Ông đặt mình trong thế “đối lập” với Thiệp.

Ông là nhà văn của những cuộc đấu tranh tư tưởng. Còn Thiệp là nhà văn của một xã hội dân sự. Cũng đã có lúc ông ghé chân sang cái phần đất xa lạ ấy. Tuy nhiên về căn bản ở Nguyễn Khải vẫn có một sự nhất quán. Trong khi cảm thụ đời sống như một nghệ sĩ, ông biết gạn lọc để chỉ viết ra những gì mà xã hội đặt hàng. Ông biết cái giới hạn mà ông phải dừng lại.

Mấy năm gần đây, chúng ta chứng kiến một sự song hành khác. Trong khi nhiều nhà văn cùng thời rơi vào bế tắc thì Nguyễn Khải trở về với cái mạch mấy chục năm trước của mình. Những cuốn sách ông mới cho in, nhất là cuốn tiểu thuyết tự truyện Thượng đế thì cười cho phép chúng ta nghĩ vậy.

Sự ra đi của ông làm rõ hơn cảm giác về một sự chuyển động chầm chậm đang diễn ra trong đời sống của văn chương nước nhà. Xét bức tranh chung, vẫn phải nói với nhau rằng một giai đoạn đang qua và một giai đoạn mới đang tới, dù là tất cả ẩn sau cái bề ngoài ngổn ngang lộn xộn. Ở vào đỉnh cao trong giai đoạn mà mình đã sống, Nguyễn Khải có một cuộc đời cầm bút thật trọn vẹn.

GẶP NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI

Hải Hạnh (Tuổi Trẻ Online)

Nhà văn Nguyễn Khải đã ra đi, nhưng văn Nguyễn Khải, con người Nguyễn Khải vẫn sống trong tâm trí nhiều người. Tuổi Trẻ Online giới thiệu bạn đọc bài viết của tác giả Bùi Thị Hải Hạnh, biên tập viên xưởng phim giáo khoa, công ty Học Liệu, NXBGD, người đã “may mắn có cuộc gặp gỡ với ông” khoảng hai tuần trước lúc nhà văn lâm bệnh.

Dạy học 20 năm, một ngày vì sinh kế tôi quyết định chuyển nghề. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, tôi lại sang làm phim giáo khoa, gọi văn vẻ là truyền hình học đường. Nghề nghiệp mới đặt ra những thử thách và cả những cơ hội. Có những con người, trước đây khi là một cô giáo tỉnh lẻ tôi chẳng mơ tới có ngày mình được gặp huống gì trò chuyện. Vậy mà một sáng đẹp trời, tôi ngồi đối diện với Nguyễn Khải, nhàn đàm thế sự cùng văn chương. Ông Khải của bao mối quan tâm, từ giới phê bình mũ cao áo dài đến các tờ báo trong nước, ngoài nước, đến cả số đông quần chúng yêu mến hoặc chẳng màng để ý đến văn hóa nghệ thuật một mảy may. Ông Khải con người khôn ngoan, kín kẽ; con người sống và viết trong nỗi ích kỷ hồn nhiên đến chân thành như lời khen chê nửa nạc, nửa mỡ của đồng nghiệp. Ông Khải, chân dung người đương thời tiêu biểu với ý nghĩa là tấm gương nghị lực, vươn ra khỏi bóng râm tẻ nhạt của cuộc đời để bước những bước dài trên thảm đỏ trong cái nhìn ngưỡng mộ của văn giới, vân vân và vân vân…

Cho nên khi tôi được ông nhận lời cho gặp mặt, mấy hôm sau vẫn tưởng mình nằm mơ. Sáng hôm ấy, đứng trong thang máy tòa nhà K95 cao to lừng lững mới tin là có thật. Thực lòng, nếu cho tôi gặp Bill Gates có lẽ tôi cũng không thích bằng vì tôi chẳng ấn tượng gì với anh chàng người Mỹ tài giỏi ấy mà chỉ mê văn ông già 77 tuổi này. Mê từ khi còn là thiếu nữ, khi ấy tôi 17 tuổi, đọc Gặp gỡ cuối năm thấy cuốn hút như mạt sắt gặp nam châm dù thời đó quyển sách in giấy đen sì, câu chữ nhập nhòa, lẫn lộn đó đây mấy sợi rơm chưa xay hết. Từ đó là một hành trình lượm lặt từng truyện ngắn trên các báo, đặc biệt là các số báo Tết.

Hai mươi năm dạy học cũng cho tôi có cơ hội mấy bận tương tri với ông từ Tầm nhìn xa đến Mùa lạc, gần đây lại là Một người Hà Nội. Độ dài thời gian ấy cũng đủ để người đọc trong tôi cảm nhận được sự dồi dào của một bút lực, thấy được những đứa con tinh thần của ông đổi thịt thay da trong những cơn vặn mình trước ba đào của văn nghệ. Nhưng tôi cũng thấy có một con người nhất quán, xuyên suốt qua từng trang viết: tỉ mẩn, khó tính nhưng chu đáo; đang riết róng, tai quái bỗng thoắt trầm lắng, sâu sắc như một triết gia; đằng sau lời văn lạnh lùng là tấm lòng đôn hậu, ấm áp, ân tình.

Đón tôi ở cửa phòng là một ông cụ tóc lốm đốm hoa râm, hồng hào, khỏe mạnh, quần lửng, áo thun nhưng bước chân có phần nặng nhọc. Ngồi chưa yên chỗ, ông đã quay sang cô bạn đi cùng hỏi thăm gia cảnh nhà văn Xuân Thiều. Cô bạn ấy gọi ông Xuân Thiều là bác. Hai nhà văn là bạn bè chí cốt từ thuở còn ở bãi Phúc Xá ven sông Hồng. Tôi lặng lẽ ngồi quan sát căn phòng. Rõ là chỗ ở của người đàn ông sống một mình, bất giác tôi liên tưởng đến những ca cẩm gần đây của ông về những xung đột của tuổi già.

Chợt tôi chững người trước dấu tích sống động của một thời lính tráng: trên tấm nệm dày đặt giữa sàn, chăn gối xếp vuông thành sắc cạnh. Chỉ thế thôi, còn lại là sư bề bộn: la liệt sách vở trên bàn làm việc; ngổn ngang chè xanh, trà tàu, bột sắn, ấm chén… trên bàn nước. Nên những thứ tiện nghi đắt tiền chễm chệ đó đây trong phòng như lạc điệu không hợp với những thứ xung quanh, với không khí rất văn nghệ của căn phòng và cả với ông già đang nói cười hồn nhiên trước mặt tôi.

Mắt tôi lướt ra xa và dừng lại trên những vách tường màu khói. Hàng hàng, lớp lớp những gương mặt người trong màu quân phục xanh thẩm. Và tôi nhận ra Phùng Quán, Xuân Thiều, Anh Đức, Lê Lựu… những gương mặt của thời trai trẻ sáng ngời và của cả tuổi già mệt mỏi. Đang miên man tôi giật nảy người khi ông đột ngột quay sang: ”Thế các cháu gặp bác có việc gì nào?”. Khi tôi nói mục đích muốn làm phim chân dung về ông để dạy học trong nhà trường, ông tỏ vẻ rất phấn khởi. Một dòng tự sự dào dạt cảm hứng như suối nguồn tuôn trào lai láng.

Ông có lối nói rất đặc biệt, nhảy cóc từ chuyện nọ sang chuyện kia nhưng vẫn liền mạch, lớp lang. Từ chuyện những ngay cơ cực ở bãi sông Hồng đến chuyện những bà vợ lính vú vê thỗn thện chen nhau hứng từng xô nước trong khu gia binh ông nói sang nỗi tẽn tò khi bê lối ứng xử buông tuồng của người bình dân Hà nội đi xồng xộc vào nhà người Sài Gòn, bị phản ứng đến dại mặt. Rồi ông kể về cô cháu gái chê chồng không vì nhân tình, nhân ngãi mà chỉ vì không chịu nổi cảnh đêm đêm thằng chồng nhấm nước bọt để đếm tiền.

Đang khi chúng tôi cười thích chí vì ông kể có duyên quá, hài hước quá, ông đột ngột buông một câu: “Ra thế, mỗi thời có quan niệm về hạnh phúc thật khác nhau”. Tôi nhận ra một ông Khải quen thuộc, cà kê những chuyện rất đời, để rồi khái quát những chiêm nghiệm, những triết lí nho nhỏ nhưng làm người khác phải giật mình nhìn lại.

Câu chuyện lấn dần sang văn chương. Tôi nói về hình tượng ”những con người mặc áo chật”, niềm cảm hứng ông say mê đeo đuổi trong nhiều truyện ngắn sau 1975 của mình. Ông hào hứng hẳn lên và kể cho tôi nghe về những nguyên mẫu có thật của bà Bơ, bà Hoàng, cô Hiền ông Phúc… Gương mặt ông sáng lên một thứ ánh sáng kì lạ, mắt lấp lánh, cười nói thoải mái như thể họ đang hiện ra trước mắt ông. Tôi chợt nhận ra một điều rất xót xa: ông già cô đơn trong căn phòng rộng rãi, tiện nghi trên nóc tòa nhà cao tầng, hiện đại. Sự hiện diện của chúng tôi như những hòn sỏi làm cho mặt hồ gợn sóng. Những làn sóng của nhu cầu giao tiếp, tâm tình. Và còn nỗi khao khát được nói, được người khác lắng nghe, ngưỡng mộ, thói quen của một thời quá khứ vàng son.

Giữa chừng câu chuyện ông khoe với tôi mảnh vườn trên sân thượng. Tôi hé cửa nhìn ra, cỏ cây lơ thơ, bất giác chạnh lòng, con người từng tung hoành ngang dọc giờ tự mãn nguyện với góc sân và khoảng trời bé tí. Nhưng đột ngột ông nói với tôi: ‘’Bác sắp được xuống đất rồi”, giọng trầm lắng vẫn không giấu được nỗi vui. Tôi phụ họa theo: “À, bác hạ sơn”. Tôi lại nghĩ đến sức sống bền bỉ của tâm hồn người nghệ sĩ. Có lẽ thế mà bọn người trần mắt thịt chúng ta không giống họ, vừa qua dốc đã muốn lao xuống cho xong đời.

Nhân lúc câu chuyện đang hồi hào hứng, tôi hỏi nhà văn vì sao ông rời Hà Nội, chia tay nhà số 4 Lí Nam Đế, nhà văn nói rất hồn nhiên: ”Sài Gòn lúc ấy hấp dẫn vì nhiều lẽ. Cái mạch ngầm sôi động của nó là nguồn đề tài phong phú, dạt dào lắm. Không vào làm sao viết nổi Gặp gỡ cuối năm, Sư già chùa Thắm và hàng loạt truyện ngắn sau này và cũng sẽ không có Nguyễn Khải hôm nay. Không bỏ Hà Nội đi làm sao viết về Hà Nội với niềm nhớ thương khắc khoải lòng người đến thế.

Còn một lý do nữa, trần tục nhưng rất thật là nhuận bút ở miền Nam rất cao. Những tờ báo như Tuổi Trẻ, Lao Động… đã dùng nhuận bút như một thước đo giá trị lao đông nghệ thuật để nhà văn có thể yên tâm mà sống, nuôi dạy con cái và sáng tác. Nên lâu lâu cũng gửi ra nhà số 4 một truyện để trọn vẹn tình nghĩa trước sau, còn phải sống trong này, đăng truyện trong này để kiếm tiền nuôi con ăn học”.

Những con trai, con gái của nhà văn hôm nay có người là nghệ sĩ, có người là doanh nhân kiếm tiền tỉ nhưng vẫn một lòng tri ân những đồng nhuận bút của bố ngày xưa: “Vài mươi triệu con kiếm hôm nay cũng không bằng vài triệu bố viết văn ngày đó, bố nhỉ”, nhà văn kể và cười tự hào. ”Bằng sao được, đồng tiền xương máu đó nuôi dưỡng thành tài cả một đàn con, vài trăm cũng chẳng bằng”. Ai nói ông Khải kín kẽ, khôn khéo, khó khăn? Hay tuổi tác đã cho ông được sống hồn nhiên với con người thật của mình?

Mọi việc về phim ảnh đã thống nhất, tôi xin phép nhà văn cho tôi được viết về cuộc gặp gỡ hôm nay. Ông dứ dứ ngón tay: ”Liều liệu mà viết, đừng bê vào hết đấy. Cho bác gửi lời cảm ơn đến thành phố này và đời sống văn nghệ cởi mở của nó. Nhưng suy cho cùng mảnh đất thiêng của lòng bác vẫn là Hà Nội và nhà số 4. Nhớ đấy”. Tôi lặng lẽ trong bùi ngùi nhưng âm thầm vui. Nguyễn Khải của tôi đây, con người ân tình tôi ngưỡng mộ trong văn chương cũng chính là con người bằng xương thịt trong cuộc đời, đang ở trước mắt tôi. Chưa lúc nào câu nói “Văn là người” thấm thía lòng tôi như lúc này.

Tiễn khách ra về, ông chợt níu tôi lại bên bức tường treo đầy ảnh. Ngón tay người già run run lướt qua từng khung ảnh, lần lượt điểm danh từng gương mặt mất còn. Ông nói nhẹ như hơi thở: ”Mất gần hết rồi cháu à”. Tôi tần ngần trước tấm ảnh ông đang đứng ở khu tập thể. Ông nói: ”Phúc Xá đấy”. Bất giác tôi hỏi bâng quơ: ”Bác có nhớ chi tiết cái ngấn nước trong truyện của bác không?“. Ông xúc động: ”Nhớ chứ. Ngấn nước trên vách nhà tập thể sau mùa lũ. Cháu đọc bác nhiều và kỹ nhỉ! Vậy là đủ để viết về bác rồi đấy”. Tôi lặng im trong cảm động. Có niềm vui nào bằng niềm vui tôi vừa nhận lúc này.

Tôi đang viết dở bài viết này thì nhận tin nhà văn Nguyễn Khải lâm trọng bệnh. Mới hai tuần trước ông còn vui vẻ là thế, khỏe mạnh là thế. Chợt liên tưởng đến câu nói hôm nào: “Bác săp hạ sơn rồi”, không lẽ là điềm gỡ? Tôi lại nghĩ đến hình ảnh cây si đền Ngọc Sơn bật gốc rồi sống lại trong truyện ngắn Một người Hà Nội. Tôi tin vào sự tồn tại bền vững của những giá trị văn hóa. Con người và văn chương Nguyễn Khải mãi là một giá trị văn hóa vững bền, dẫu có thể không vượt thoát khỏi quy luật “Trôi theo tự nhiên” như tên tác phẩm ông vừa hoàn thành.

Mấy lần liên hệ để đến thăm, đưa ông xem trước bài viết nhưng không thành vì bệnh tình diễn biến xấu. Sáng nay đọc báo thấy tin ông qua đời, ly cà phê như đắng hơn. Trong tôi trào lên một cảm xúc khó tả, vừa tiếc nuối vừa ân hận. Tôi thầm trách mình phải chi ráo riết, quyết tâm hơn có lẽ đã hoàn thành được bộ phim về ông. Chí ít hôm ấy mang theo máy quay, ghi hình cuộc gặp gỡ, thì giờ đây cũng lưu giữ được ít nhiều tâm tư, hình ảnh tươi đẹp cuối cùng của ông cho hậu thế… Thôi thì bài viết này như một nén hương tạ lỗi cùng ông. Mong rằng một ngày không xa, tôi sẽ làm được những gì đã trao đổi cùng ông hôm ấy, để những giờ học văn học sinh không chỉ học văn chương mà còn được cảm nhận vẻ đẹp văn hóa của con người Nguyễn Khải.

TP.HCM, 16-1-2008 Hải Hạnh

NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI VÀ CHIẾC XE ĐẠP MẦU XANH

Nguyễn Quang Thiều (VietNamNet)

Trong hàng triệu người Việt Nam có lẽ tôi là một người may mắn đã trở thành nhân vật trong ít nhất một bài viết ngắn của ông. Đó là bài ông viết về mấy anh em chúng tôi thuở còn đang làm tờ Văn Nghệ Trẻ của Hội Nhà văn. Ngày ấy, hơn mười năm trước, trụ sở Văn Nghệ Trẻ nằm trong một căn phòng chừng 6 mét vuông ở 17 phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Ông tả tôi có hai mắt to như hai cái chén Tống, giọng nói khào khào… và thức suốt đêm để làm báo.

Khi Nguyễn Khải còn sống, tôi gặp ông không nhiều và chỉ là những lần ông ra Hà Nội. Hồi đó, hầu hết những lần ra Hà Nội ông đều ở trụ sở Báo Văn Nghệ ở 17 phố Trần Quốc Toản. Chả là ngày ấy, trong cái trụ sở chật chội nhưng vẫn có một cái phòng khách của báo. Thi thoảng đến cơ quan sớm, tôi lại thấy một nhà văn hoặc một nhà thơ từ xa về ngụ ở báo qua đêm đang lững thững cầm khăn mặt đi vào nhà vệ sinh.

Nguyễn Khải đã nhiều lần ngụ tại báo Văn Nghệ khi ông ra Hà Nội. Không chỉ vì báo có phòng khách mà bên cạnh phòng khách là phòng ở của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nguyễn Khắc Trường rất thân với Nguyễn Khải. Hai ông từng làm việc ở một cơ quan: Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi đó nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng đã chuyển từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội về báo Văn Nghệ. Thế là Nguyễn Khải ở luôn cái phòng khách của báo vừa tự do lại vừa có bạn. Nhiều lúc đi qua tôi chỉ thấy hai người ngồi rủ rỉ rù rì những chuyện gì đó với nhau. Hai ông đều là những người không có tính ồn ào vồn vã như nhiều nhà văn khác. Nhưng cả hai ông cứ xuất bản cuốn sách nào là thiên hạ lại náo loạn cả lên.

Ngày đó, trong một phòng khá rộng của Toà sọan được coi như là gara để ôtô của ông Tổng biên tập, tôi thường nhìn thấy một chiếc xe đạp xanh xanh. Tôi đoán là xe đạp Trung Quốc. Yên xe rất cao. Chiếc xe trông rất cũ và tôi chưa nhìn thấy loại xe đạp như thế ở Hà Nội. Hỏi ra mới biết đó là xe của Nguyễn Khải. Ông gửi chiếc xe đạp ở đó để mỗi lần ra Hà Nội thì lấy đó làm phương tiện đi lại.

Buổi sáng Nguyễn Khải lững thững đi ăn sáng ở một phố gần đó. Ông ăn uống nhỏ nhẹ như một thục nữ. Ông nói năng cũng nhỏ nhẹ. Tôi có cảm giác ông không có khả năng cáu giận. Nhưng cái giọng nhỏ nhẹ của ông luôn luôn chứa sự hài hước và thâm thuý. Có người nghe Nguyễn Khải nói về mình thì sướng lắm cười ha hả. Nhưng phải về đến nhà, ăn uống xong, nằm xuống ghế, xuống giường nghỉ ngơi ngẫm nghĩ thì đến lúc đó người ấy mới hiểu ra ý Nguyễn Khải nói gì. Thế là vụt ngồi dậy, người lạnh toát mồ hôi lưng. Thường là ăn sáng xong ông về uống trà trong phòng Nguyễn Khắc Trường rồi lững thững dắt chiếc xe cao ngất ngưởng ra phố và thủng thẳng đạp đi.

Tôi đã nhìn ông đạp xe dọc đường Nguyễn Du, Hà Nội. Ngày ấy Hà Nội chưa rồ dại vì xe máy như bây giờ. Bởi thế mà hình ảnh một người cao lêu đêu thong thả đạp xe tự nhiên thấy cả Hà Nội được thảnh thơi lạ lùng. Cuối chiều lại thấy ông đạp xe về. Ông dựng chiếc xe vào một góc, khoá lại và thủng thẳng đi lên tầng 3 toà soạn báo Văn Nghệ. Phong thái đi đứng và đạp xe của Nguyễn Khải cho tôi một trong những lý giải vì sao ông có thể biết được nhiều chuyện như vậy. Tôi thấy ông thường tĩnh lặng đến mức có thể để thu hết mọi gương mặt, mọi giọng nói và mọi câu chuyện của đời sống ông đi qua vào trong con người ông. Để rồi trở về, ngồi xuống, nhớ lại và viết ra. Văn phong của ông cũng vậy. Cứ thủng thẳng “chết người” như những lúc ông ngồi nói chuyện với người quen.

Một buổi chiều, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và tôi ngồi làm số báo Tết Văn Nghệ Trẻ ở cái phòng 6 mét vuông ở tầng ba báo Văn Nghệ thì thấy Nguyễn Khải đi qua. Ông nhìn chúng tôi và hỏi: “Chỉ có hai ông làm thôi à?”. Đúng là ngày đó chỉ có tôi và Ngọc làm báo Tết cho Văn Nghệ Trẻ. Tôi phụ trách nội dung, đọc, biên tập bài, tìm tranh ảnh và làm makét cho Ngọc trình bày. Nguyễn Lương Ngọc không phải là họa sỹ nhưng trình bày rất đẹp. Cũng như tôi đã làm họa sỹ trình bày tờ Văn Nghệ Trẻ mấy tháng vì không tìm được họa sỹ.

Nguyễn Lương Ngọc là người đã cùng nhà văn Hoà Vang đi bộ dọc đất nước. Một lần từ nhà của nhà thơ Trần Quốc Thực về, Ngọc ngã xe máy. Ngã nhẹ thôi nhưng đầu đập xuống đường và bị chấn thương. Thế là bại liệt, là không nói được nữa. Ngọc cứ nằm trên giường bất động mấy năm sau thì mất. Giá ngày ấy có mũ bảo hiểm như bây giờ thì chắc Ngọc còn sống. Hoà Vang cũng đã mất vì ung thư. Trần Quốc Thực cũng vừa mới mất đầu năm nay. Và bây giờ đến Nguyễn Khải. Phải bình tĩnh nếu không sẽ hoảng hốt khi những người quanh mình cứ lặng lẽ biến mất khỏi mặt đất này như chẳng có lý do gì xác đáng.

Đến tối ngày hôm đó, Nguyễn Khải đi qua, thấy chúng tôi vẫn làm báo, ông thò đầu vào hỏi: “Hai ông chưa nghỉ à?”. Mười giờ đêm, ông đi tiểu, lại ngó vào và nhạc nhiên vì thấy hai tay nhà văn trẻ vẫn ngồi giữa mịt mùng bản thảo, tranh ảnh, bút chì, thước kẻ, dao kéo và khói thuốc lá. Mười hai giờ đêm vẫn vậy. Hai giờ sáng, ông dậy đi tiểu, tròn mắt nhìn chúng tôi và thốt một câu hỏi như một tiếng kêu thất thanh: “ Hai ông làm gì thế này?”. Bốn giờ sáng đi tiểu vẫn thấy chúng tôi ngồi hì hục làm. Ông đứng nhìn chúng tôi rất lâu và không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu và bỏ đi. Sáu giờ sáng, ông đứng trước cửa phòng chúng tôi. Ông hỏi chúng tôi với một giọng hoang mang và ngờ vực: “Hai ông cứ ngồi đây từ chiều qua đến giờ à?”.

Đúng là chúng tôi đã ngồi như thế từ chiều hôm trước. Tất nhiên có đi ăn một bát phở đêm. Lúc đó, Nguyễn Khải không hiểu chúng tôi thuộc loại người nào. Tiền thù lao làm báo Tết ngày ấy là không có. Tất cả chỉ là sự say đắm. Năm đó, tôi 40 tuổi. Bây giờ đã 50. Nhưng vẫn say đắm như thế. Mặc dù tôi biết say đắm quá thì nhiều lúc cũng hại vào thân. Sau này Nguyễn Khải viết trên tờ Thế giới mới về chuyện chúng tôi đã làm báo như nào.

Nhiều năm tôi không gặp ông. Có lẽ do sức khoẻ mà ông ít ra Hà Nội. Mà ra thì ông cũng không đến ở báo Văn Nghệ nữa. Vì báo chẳng còn một chỗ hở nào để làm phòng khách. Tuy nhiên, trụ sở cũ đã được đập đi mấy tháng trước để xây một toà nhà tám, chín tầng gì đó. Không biết ông có mang chiếc xe đạp đó vào thành phố Hồ Chí Minh không. Và nếu có mang vào thì ông cũng chẳng có điều kiện mà đạp xe nữa. Tôi nghe nói ông ở trong ngôi nhà có thang máy. Nhưng hình ảnh ông đạp xe dọc phố Nguyễn Du mãi mãi là hình ảnh đầy ấn tượng và thật đẹp. Hình ảnh đó làm cho Hà Nội được trở nên thảnh thơi. Không biết Bảo tàng Nhà văn Việt Nam có biết mà giữ chiếc xe đạp của ông lại không.

Buổi sáng nghe tin ông mất, hình ảnh đầu tiên tôi nhớ về ông là hình ảnh ông đạp xe trên một đường phố Hà Nội hơn mười năm trước. Bây giờ đang là những ngày cuối năm âm lịch. Người Hà Nội đã bắt đầu thấy trong gió lạnh những làn mưa bụi của mùa xuân trở về. Và tôi nghĩ, không phải ông rời bỏ chúng ta đi về chốn nào đó mù xa. Ông chỉ đạp xe lên vùng Nghi Tàm, Quảng Bá để thăm một người quen hay một nhân vật nào đó của ông hoặc có thể ông đạp xe lên đó xem người Nghi Tàm, Quảng Bá chăm chút những cây đào cho một mùa xuân đang tới.

Hà Nội, một ngày mưa bụi cuối năm.
Nguyễn Quang Thiều

NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI “CHƯA BAO GIỜ NGỪNG VIẾT”

Trần Nhã Thụy (CAND Online)

Với cuốn tiểu thuyết “Thượng đế thì cười”, chúng ta vẫn tưởng đây là cuốn cuối cùng của ông. Thế nhưng, Nguyễn Khải vẫn không dừng lại. Theo những người trong gia đình Nguyễn Khải cho biết thì trước khi mất ông đã kịp viết khoảng 300 trang bản thảo “Tùy bút chính trị” hay còn gọi là “Nghĩ muộn”.

Gần cuối năm, lại thêm một cuộc chia tay nữa trên văn đàn văn học Việt Nam, người ra đi lần này là nhà văn Nguyễn Khải – một cây bút văn xuôi tạo dấu ấn thời đại mạnh mẽ, ngay cả với những trang viết gần cuối đời.

Và, vẫn còn những trang bản thảo dở dang, nhưng nhà văn thì đã được “trao trả về với cái vô hạn”, như một lẽ của tự nhiên. Dẫu vậy, sự ra đi của ông vẫn khiến văn đàn như hẫng hụt…

Câu chuyện về “bí kíp” viết văn

Năm 1996, trong một chuyến ra Hà Nội, một nhà văn khá tên tuổi của văn chương Việt Nam cầm được trên tay cuốn “Nghệ thuật tiểu thuyết” của nhà văn gốc Tiệp Khắc (Cộng hòa Czech) Milan Kundera, ngay lập tức ông cho rằng đây là một cuốn “bí kíp” rất hay về tiểu thuyết.

Và, ông quả quyết, cuốn sách này đã thay đổi cách nhìn, quan niệm về tiểu thuyết của ông, do đó nếu còn viết được, chắc chắn ông sẽ viết khác trước. Nhà văn đó, không ai khác chính là Nguyễn Khải.

Năm 2003, nhà văn Nguyễn Khải ra mắt cuốn tiểu thuyết “Thượng đế thì cười”, mượn ý từ một câu ngạn ngữ Do Thái: Con người suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười. Đây không phải là một câu ngạn ngữ xuất hiện vô tình mà nó được dẫn ra từ diễn văn của Milan Kundera nhân dịp ông nhận giải thưởng Jérusalem (Israel). Và diễn văn này cũng chính là một chương quan trọng (cuối cùng) trong cuốn tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết” mà Nguyễn Khải từng đề cao.

Trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2003, không biết toàn bộ cuốn “bí kíp” đã thôi thúc Nguyễn Khải viết lại, hay là nhà văn không thể nào dừng trước một câu ngạn ngữ tuyệt hay: “Con người suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười”.

Tuy nhiên, có thể thấy đó là khoảng thời gian đủ để bạn đọc mong chờ vào sự “tái xuất” của nhà văn Nguyễn Khải. Và, tôi là một trong những bạn đọc có tâm trạng mong chờ đó.

Nhưng, có thể nói ngay rằng “Thượng đế thì cười” không thể hiện một lối viết “khác trước” rõ rệt của Nguyễn Khải. Vẫn trung thành với lối kể chuyện chắc chắn và lôi cuốn, vẫn là những câu chuyện đời thường “ít gia vị” với những góc nhìn sắc sảo.

“Thượng đế thì cười” mang dáng dấp một cuốn tự truyện, nhưng có thể nói là vẫn còn tương đối chừng mực, với sự kiểm soát về trạng thái tinh thần khá tốt, như một “thủ đắc” mà Nguyễn Khải vốn vẫn thể hiện.

Bảy mươi tuổi, đã tuyên bố “rửa tay gác kiếm” rồi không hiểu sao lại tiếp tục viết. Chuyện bắt đầu ngay từ nhân vật: hắn – nhà văn bảy mươi tuổi ấy, bỗng dưng lại đương đầu với một cơn giận bốc lửa của người vợ, bởi nghi ngờ chồng mình ngoại tình.

Chuyện không thể tin được, bởi hắn vốn là người đàn ông rất chung thủy. “Vậy mà tới tuổi già, cả vợ lẫn chồng đã biến hóa thành hai cái túi xương thịt dăn deo, dúm dó, người vợ còn hỏi chồng: “Anh có còn yêu tôi không? Anh có định ruồng bỏ tôi không?”. Câu hỏi thì vô lý và buồn cười nhưng người hỏi thì đau đớn, nghiêm trang, mắt nhìn tuyệt vọng như kẻ vừa bị tuyên án tử hình” (trích Thượng đế thì cười).

Không biết đâu là thật, đâu là hư, nhưng những trang tiểu thuyết ấy lại rất gần với những suy tư về già của nhà văn Nguyễn Khải. Ông hay nói về sự lẩm cẩm của người già, về việc vẫn được kính trọng nhưng không được vâng lời đối với con cái.

Về già sống nhàn tản, đủ đầy mà vẫn không vui bằng thời gò lưng viết sách nuôi cả nhà. Khi đọc cuốn tiểu thuyết “Thượng đế thì cười” tôi nhớ mãi hình ảnh ông nhà văn già ngồi vân vi một mình trong bóng tối ở chân cầu thang đá hoa cương bóng loáng của căn nhà cao tầng mà nghĩ về những thăng trầm, phù vân của cuộc đời. Ông ngồi đó trong tiện nghi mà không thuộc về nó. Hình như điều này Nguyễn Khải cũng từng nói ở đâu đó: “Tôi chỉ là người của một thời”.

Nhà văn nguyễn khải (giữa) nhận giải cây bút vàng lần I (1996-1998) của tạp chí văn nghệ công an.

“Tôi chỉ là người của một thời” – không biết khi nói câu đó, Nguyễn Khải đang cảm thán về dòng chảy thời gian hay tự đánh giá lại mình, còn với bạn đọc yêu văn chương Việt Nam, những tác phẩm của Nguyễn Khải vẫn còn nằm trong “kênh đọc” hôm nay. Cái một thời mà Nguyễn Khải nói thực chất chỉ là độ lùi của thời gian, mà ở đó văn chương nếu có giá trị thực sẽ càng trở nên lấp lánh.

Với Nguyễn Khải, ngay bây giờ, đọc lại những tác phẩm “một thời” của ông, như: “Mùa lạc”, “Cha và con và…”, “Gặp gỡ cuối năm”, “Thời gian của người”, “Điều tra về một cái chết”, “Một cõi nhân gian bé tí”, “Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu” v.v… vẫn thấy không cũ, vẫn bị cuốn vào những dòng kể ngồn ngộn vốn sống thời đại và chi tiết của cuộc đời.

Với cuốn tiểu thuyết “Thượng đế thì cười”, chúng ta vẫn tưởng đây là cuốn cuối cùng của ông. Thế nhưng, Nguyễn Khải vẫn không dừng lại. Theo những người trong gia đình Nguyễn Khải cho biết thì trước khi mất ông đã kịp viết khoảng 300 trang bản thảo “Tùy bút chính trị” hay còn gọi là “Nghĩ muộn”.

Tập bản thảo đó ông có đưa cho một số người thân thiết xem trước, với điều kiện “cam kết” không chuyền tay và công bố ở đâu. Không biết trong “Nghĩ muộn” Nguyễn Khải đã dốc hết ruột gan của mình chưa, bộc lộ hết cả những niềm đau gây ra với mình, với người chưa? Nhưng, thật tiếc là Nguyễn Khải đã chưa kịp hoàn thành nó, ông đã ra đi theo cái mà ông gọi một cách chuẩn xác là “trôi theo tự nhiên”.

Sống, nói theo một nghĩa nào đó là “trôi theo tự nhiên”. Nhưng, với nghề viết, Nguyễn Khải là nhà văn luôn đặt ý thức sáng tạo lên hàng đầu. Tôi nhớ ông từng viết một tạp văn về nghề văn có tựa là “Cuộc tìm kiếm mãi mãi”, tức là phải luôn đi, ghi chép, đọc, suy nghĩ và viết. Cứ thế mãi mãi.

Về những năm cuối đời ông cũng từng tâm sự rằng: “Tôi viết vậy thì tôi tồn tại” (mượn theo ý một câu của triết gia Descartes: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”).

Sự tồn tại này không nằm ở nghĩa danh hay lợi, mà nó còn mang một ý nghĩa lớn hơn: “Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn” (trích bài viết của Nguyễn Khải in trên báo Sài Gòn tiếp thị, 9/2006).

Cái vô hạn mà Nguyễn Khải nói đến phải chăng cũng chính là quyền hạn và sứ mệnh của người cầm bút? Nói cách khác đó là ý nghĩa của sự tồn tại vượt ra ngoài những hữu hạn hư danh cuộc đời.

Tôi tin, một nhà văn khi bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” như Nguyễn Khải mà nói được câu đó, có nghĩa là còn rất mẫn tiệp và trái tim còn đầy lửa nhiệt tình. Tôi cũng tin là nếu còn sống Nguyễn Khải sẽ còn viết được những trang sách hay.

Người của một thời

Đối với lớp hậu sinh như chúng tôi, viết về một bậc tiền bối như Nguyễn Khải là một điều khó khăn, bởi có những điều cần phải được soi chiếu qua lăng kính và tâm cảm của người cùng thời.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy có sự thuận lợi, đó là mình không có những “lấn cấn” của người trong cuộc, mà chỉ thể hiện đơn thuần ở vị trí một độc giả.

…với nhà văn Đỗ Chu.

Khi ở vị trí một độc giả, tôi tán đồng với những ý kiến mà Trần Đăng Khoa nhận xét về Nguyễn Khải (trong tập “Chân dung và đối thoại”). Ở đó, Trần Đăng Khoa cho rằng Nguyễn Khải là “nhà văn thông tấn”, tức văn gần với báo, văn thời sự.

Khi Trần Đăng Khoa đưa ra nhận xét như thế, chính bản thân Nguyễn Khải cũng không vui. Nhưng, bây giờ, khi mọi chuyện đã qua, bình tâm trở lại, chúng ta thấy lời nhận xét của Trần Đăng Khoa không phải là không có lý. Và, nhận xét như vậy cũng không có nghĩa là phủ nhận tài năng Nguyễn Khải.

Nói như Trần Đăng Khoa thì: “Tôi đặt ông vào đúng vị trí mà ông có. Ở trường phái văn chương thông tấn này, một mình ông một vị trí độc tôn, không ai sánh được và cũng không có ai học được”. Và, mới đây trên báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 16/1/2008) nhà văn Nguyên Ngọc đã có bài viết: “Nguyễn Khải – nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi”. Trong bài viết này, Nguyên Ngọc cũng nhấn mạnh Nguyễn Khải là “nhà tư tưởng”.

Cho nên, nói “nhà văn thông tấn” như Trần Đăng Khoa, hay “nhà tư tưởng” như Nguyên Ngọc cũng là một cách nói tôn vinh Nguyễn Khải mà thôi.

Với riêng tôi, những kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải không nhiều, những lần gặp ông hầu hết đều gắn liền với công việc viết báo, mà tôi là “người hầu chuyện”.

Theo tôi, Nguyễn Khải là một trong ít nhà văn rất chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp đó thể hiện ở chỗ ông làm việc rất nghiêm túc, rất đúng giờ. Ông hẹn gặp ai, mấy giờ, làm việc trong bao nhiêu lâu, nói những vấn đề gì… đều rất nghiêm túc, chuẩn xác.

Nguyễn Khải thường có kiểu “nhát gừng” khi mới gặp nhau, nhưng khi đã vào chuyện, khơi gợi đúng tâm tư, sở thích là mọi khoảng cách không còn nữa, ông nói say sưa, mà thông minh, tinh tế đến bất ngờ.

Nguyễn Khải cũng là người đọc nhiều, ông say mê văn học Pháp, và lặng lẽ “theo dõi” nhiều cây bút trẻ. Mới đây, nhà văn Lê Văn Thảo tặng tôi tập sách mới “Sóng nước Vàm Nao”. Cầm sách, tôi ướm hỏi đây có phải là cuốn sách mà ông thích không, thì nhà văn Lê Văn Thảo trả lời: “Ông Nguyễn Khải khen cuốn này đọc được”. Nhà văn Lê Văn Thảo cũng nói thêm: “Ông ấy (tức Nguyễn Khải) dạo này ở không nên đọc dữ lắm, không chỉ đọc văn bạn già đâu mà còn đọc văn trẻ nữa. Nhận xét còn tinh tế lắm…”.

Mấy người con của Nguyễn Khải, không có ai theo nghiệp bố cả. Hai người con trai lo làm ăn kinh doanh, một cô con gái là họa sĩ. Trong nhà, Nguyễn Khải thương cô con gái nhất, luôn lo cho cô trước “sóng gió cuộc đời”.

Do đó, dù cô đã có gia đình con cái, nhưng ông vẫn quan tâm từng tí một. Nguyễn Khải từng tâm sự rằng, ông là một người may mắn, được sống trong một gia đình hạnh phúc.

Nhưng, chắc chắn một điều, niềm hạnh phúc mà Nguyễn Khải luôn hướng đến, chính là những trang viết, là nơi để “được trao trở về với cái vô hạn”. Cuối cùng, dù những trang bản thảo chưa kịp hoàn thành, nhưng ông đã được “trao trở về với cái vô hạn”.

Đến đây, tôi lại nhớ, một lần gặp tại nhà riêng, tôi mạo muội hỏi tác phẩm nào của mình mà ông tâm đắc nhất, ông im lặng hồi lâu rồi lặng lẽ đứng lên lấy trên kệ cuốn “Gặp gỡ cuối năm”. Cuốn sách có lẽ còn “sót”, nên ông cầm luôn cây bút ký tặng tôi. Một chữ “Khải” rất giản dị, rõ ràng, như viết chứ không phải ký.

Nhà văn đã ra đi vào ngày gần cuối năm (âm lịch). Phải chăng ông “tạm biệt” bạn đọc để đến với những cuộc gặp gỡ khác, ở một nơi chốn khác…

BẠN VĂN QUÝ TÂM VÀ TÀI CỦA NGUYỄN KHẢI

Anh Vân – Lưu Hà (VnExpress)

Chiều 17/1, Sài Gòn đột ngột mưa trái mùa. Dù vậy, lễ tưởng niệm nhà văn Nguyễn Khải do Hội Nhà văn VN tổ chức diễn ra rất trang trọng, ấm cúng tại Nhà tang lễ TP HCM. Đông đảo bạn bè đến dự đã nói lên kỷ niệm, tình cảm dành cho cây bút lớn.

Một số gương mặt trong số đó chia sẻ cảm xúc với VnExpress.

Nhà văn Lê Văn Thảo (Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM): “Đời văn Nguyễn Khải đã lấp đầy cuộc đời của anh”

Cũng như trước sự tiễn biệt nhiều nhà văn, nhà thơ lớn trong năm qua, tôi không thích, không muốn dùng từ “khoảng trống” để nói về sự ra đi của các anh. Dù đó là mất mát lớn, nhưng tôi tin rằng những tác phẩm của anh Khải và vài người khác sẽ còn được nhiều thế hệ sau này tiếp tục đọc lại, suy ngẫm lại, phát hiện lại. Với họ, đời văn đã lấp đầy đời người rồi.

Nguyễn Khải là một nhà văn giữ được bút pháp hiếm có, một giọng văn luôn có suy nghĩ và trăn trở. Anh sáng tác nhiều, mà mỗi sáng tác đều gây chú ý trong văn giới. Gần đây tôi cũng đã yếu rồi, không còn đọc nhiều tác phẩm của nhiều người như trước đây. Nhưng với tác phẩm của Nguyễn Khải, thấy cuốn nào mới là tôi đọc ngay vì tôi biết mình sẽ không phí hoài thời gian từ trang viết đó.

Tôi còn nhớ, ngày trước tôi là sinh viên Sài Gòn vào chiến khu từ năm 1960, Nguyễn Khải là nhà văn miền Bắc đầu tiên mà tôi được biết. Thời đó, anh viết nhiều trên báo Văn Nghệ. Truyện đầu tiên tôi đọc của anh là truyện vừa Người trở về, hình như đăng khoảng 2-3 kỳ trên báo này. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn học miền Bắc. Sau đó tôi mới biết đến những Anh Đức, Nguyên Ngọc…

Suốt 30 năm nay, tôi và anh thường xuyên gặp nhau, hoặc là trò chuyện trên điện thoại. Anh là một người sắc sảo, thông minh, một con người chân thành. Chân thành đến mức dám nói ngược lại những điều mình đã nói trước đó. Anh sôi nổi nhiệt tình, nhưng lại là người có khá nhiều tâm tư, dằn vặt về công việc sáng tạo trong nghề viết.

Từ khi Hội Nhà văn TP HCM lập giải thưởng văn học hằng năm, tôi đều mời anh Nguyễn Khải vào hội đồng chấm giải. Mấy năm trước anh đã yếu nhưng anh đọc sách của anh em rất cẩn thận, có trách nhiệm. Đọc xong đều ghi rõ nhận xét, góp ý.

Hôm Nguyễn Khải vào bệnh viện cách đây mấy tháng, chợt một hôm anh gọi điện cho tôi. Thì ra, anh đã đọc được một phần truyện vừa Sóng nước Vàm Nao của tôi, đăng nhiều kỳ trên tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Khải nói là thích truyện đó quá nhưng tiếc là chưa đọc hết được, dặn nếu khi sách in ra thì nhớ đem tặng anh. Đến khi tập truyện này in xong, anh đã cấp cứu, không còn đọc sách hay nói chuyện được.
Nhiều bạn bè đồng nghiệp đến dự lễ tưởng niệm vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khải. Ảnh: A.V.

Nhà báo Trần Đĩnh (nguyên phóng viên báo Nhân Dân): “Một cây bút luôn biết phân vân”

Nguyễn Khải là một nhà văn luôn luôn đi tìm lẽ phải, thích sống mức độ, chừng mực, nên đôi khi hóa hơi e dè.

Tôi quen Nguyễn Khải từ những năm 1960 đến nay. Thường hay đến ăn cơm ở nhà ông, trò chuyện với ông rất tâm đắc. Cách đây mấy tháng khi thăm Nguyễn Khải trong bệnh viện, ông nói một câu làm tôi rất thương: “Mình không làm stain (một trong những phương pháp mổ tim) được mà phải mổ phanh rồi”. Tôi biết ở tuổi Nguyễn Khải mà mổ phanh thì nguy, nhưng vẫn thầm cầu cho bạn đón nhận phép màu.

Tôi vào bệnh viện thăm, nghe Nguyễn Khải nói với các bác sĩ: ” Các ông gắng giúp tôi sống ráng đến 2 năm nữa để cố viết vớt những gì còn muốn viết. Rồi sau đó ra đi cũng không sao hết”. Ông còn quay sang nói đùa với tôi: “Như Trần Đĩnh và Lê Đạt thì té ra lại sống lâu hơn”.

Lần cuối tôi đến thăm Nguyễn Khải, anh nhắn tôi đem vào cho mượn tập thơ mà nhà thơ Lê Đạt tặng hai đứa, và cả cuốn sách Người không phẩm chất của một nhà văn Áo, vì Nguyễn Khải nghe tôi nói là cuốn này đọc thích lắm.

Nhưng rồi khi Nguyễn Khải mổ xong phải thở ôxy và không còn trò chuyện gì với người thân, bạn bè được. Ngày ông mất, tôi và Lê Đạt mang vòng hoa đến viếng “Lê Đạt – Trần Đĩnh khóc Nguyễn Khải”. Vâng, chúng tôi thương và nhớ anh.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: “Tôi coi Nguyễn Khải là nhà văn bậc thầy”

Tôi, Lê Lựu và Trần Đăng Khoa coi Nguyễn Khải như là nhà văn bậc thầy. Ông viết văn sắc sảo, không hoa hòe hoa sói mà rất từng trải, chiêm nghiệm. Nguyễn Khải không hấp dẫn người đọc bằng chuyện tình yêu nam nữ mà bằng sự phân tích sâu sắc, thấu đáo những vấn đề nóng bỏng của xã hội, cập nhật những chuyện gai góc của đời sống hiện tại.

Tài năng đó càng đáng trọng, đáng quý hơn nếu chúng ta biết ông xuất thân không phải là người học cao. Cụ thân sinh của Nguyễn Khải vốn là quan huyện nhưng ông lại là con bà lẽ. Sau khi bố ông và bà cả chuyển vào Nam, ông cùng mẹ đẻ ở lại miền Bắc, sống rất vất vả, không được học nhiều, không có bằng cấp. Trong hồ sơ của mình, nhà văn thừa nhận, ông chưa học hết cấp 3. Nhưng rồi ông tự học tiếng Pháp, đọc được sách Pháp. Thế nên sáng tác của Nguyễn Khải rất hiện đại so với các nhà văn đương thời.

Nguyễn Khải viết nhiều nhưng không có tác phẩm nào dở. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, đáng chú ý nhất là những đầu sách như: Xung đột, Mùa lạc, Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Một cõi nhân gian bé tý… Nguyễn Khải rất chịu khó đi thực tế, ghi chép rất nhiều và viết rất thật. Gặp gỡ cuối năm là một trong những cuốn sách ông viết về chính gia đình mình.* Tác giả ‘Mùa lạc’ không hẹn ‘Gặp gỡ cuối năm’

Nguyễn Khải là con người dễ hiểu chứ không lạnh lùng, khó gần như người ta nói. Ông sống rất thật thà, chân tình, không mưu mô, không làm hại ai bao giờ cả. Ai không thích thì ông tránh xa thôi. Nhà văn từng tự nhận xét rằng, cuộc đời ông đơn giản đến tẻ nhạt. Trong đời thường, ông sống có tình có nghĩa với các bậc cao niên và hết lòng với những nhà văn đàn em. Nguyễn Khải coi Thanh Tịnh, Vũ Cao và Từ Bích Hoàng như những người anh. Khi Thanh Tịnh và Vũ Cao còn sống, mỗi lần ra Hà Nội ông đều đến thăm họ chu đáo.

Còn những bậc em út như chúng tôi, lần nào vào TP HCM, chúng tôi cũng phải ghé vào nhà ông ăn cơm cho bằng được. Gia đình Nguyễn Khải khá giả và rất quý người. Chúng tôi thường ăn uống với nhau rồi nói chuyện đến thâu đêm.

Nguyễn Khải thường tâm sự, vì hoàn cảnh, ông phải vào sống ở TP HCM chứ ông rất nhớ Hà Nội. Ông là người không biết uống rượu, uống bia, chỉ thích nhấm nháp cà phê, trà nên có phần không hợp với cuộc sống náo nhiệt ở TP HCM. Từ lúc vào TP HCM ông cũng có nhiều bạn bè nhưng phần lớn là sống khá khép kín.

Nhà biên kịch Sâm Thương: “Một con người biết cảm thông và trân trọng người khác”

Ngay từ sau ngày giải phóng, tôi đã tình cờ được làm bạn với anh Khải. Khi đó, anh ấy đạp chiếc xe đạp cọc cạch, và hai anh em thường uống cà phê ở cái quán gần trụ sở Hội sân khấu TP HCM bây giờ.

Từ lúc quen biết nhau, có cuốn sách nào mới, anh Nguyễn Khải đều tặng cho tôi. Trong các sách anh tặng, tôi thích và quý nhất là cuốn Gặp gỡ cuối năm, đó là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, mang ý nghĩa triết lý lớn.

Đời tôi cũng có nhiều chuyện buồn, nên tôi quý một người bạn lớn như anh Khải. Bởi vì anh rất biết trân trọng, yêu thương người khác. Khi trò chuyện với nhau, anh biết cách chia sẻ quan điểm và khiến cho người đối diện thấy mình được cảm thông và trân trọng. Có khoảng thời gian tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau vì cảm nhận là hiểu được tâm tư của nhau.

Anh Vân – Lưu Hà ghi

NGUYỄN KHẢI: THỬ PHÁC HỌA MỘT CHÂN DUNG VĂN HỌC

Mai Quốc Liên (SGGP Online)

Có lần, trong một cuộc trò chuyện giữa anh và tôi qua điện thoại, thường là hàng tiếng đồng hồ, đủ thứ chuyện trên đời, chẳng hiểu vì sao chúng tôi lại lạc vào Nguyễn Gia Thiều và Cung oán ngâm khúc. Đó là nhà văn trữ tình – triết học về nhân thế hay và lớn của văn học nước ta. Anh Nguyễn Khải đề nghị tôi tổ chức một cuộc hội thảo về Nguyễn Gia Thiều, và nếu cần, anh sẽ tài trợ. Tôi đoán chừng anh là hậu duệ của Nguyễn Gia Thiều chăng? Cái gène văn chương triết luận của anh có phải là sự kế thừa từ ông cụ tổ?

Con người nho nhã, có dáng của các “cụ đạo”, thế mà lại ham triết luận. Anh là người hay cả nghĩ, lo toan, hay “hiếu sự”, “gây sự” trong văn chương (trong đời thì có vẻ dút dát, cho qua để được yên thân). Nhất là từ sau 1975, nhiều tác phẩm của anh rất giàu tính triết luận.

Nhà văn viết là viết tư tưởng, suy tưởng của mình về cuộc sống. Mà cuộc sống của ta thì bề bộn bao nhiêu vấn đề. Từ chiến tranh sang hòa bình, chọn đường đi thế nào, người thành thị trí thức ở miền Nam nghĩ gì, làm gì trước biến cố lịch sử ghê gớm ấy…

Từ những sai lầm ấu trĩ về kinh tế tập trung – bao cấp chuyển qua kinh tế thị trường, mà vẫn kiên trì định hướng của xã hội chủ nghĩa, “tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về” (Kinh Thi), có biết bao vấn đề tranh cãi, chọn lựa, nhận thức lại… Bên cạnh tính triết luận của tác phẩm, là tính đối thoại.

Trong các nhà văn sau 1945 cách mạng – kháng chiến – chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Khải có lẽ là người duy nhất thực hiện được thành công tính đối thoại của tiểu thuyết hiện đại. Trong khi các nhà văn khác viết theo tuyến tính liền một mạch, thì Nguyễn Khải quanh co, khuất khúc hơn.

Các nhà văn khác ổn định hơn, cái nhìn, cách nhìn trong văn xuôi, định hình bởi những chân lý tuyệt đối, thì Nguyễn Khải có vẻ tương đối luận, và do đó dễ di chuyển điểm nhìn để có một sự tiếp cận đa dạng, nhiều chiều hơn với đối tượng miêu tả.

Trong khi vẫn là một nhà văn cách mạng (đi cách mạng từ 16 tuổi, qua bao chặng đường phức tạp, chông gai, phong phú của cuộc sống… mà lên đến bậc “thượng thừa” của văn chương cách mạng), Nguyễn Khải tỏ ra “sắc mắc” nghĩ ngợi, băn khoăn, hoài nghi, dày vò mình vì “những điều trông thấy” quá đỗi phức tạp, và thế là ông để nhân vật đối thoại với nhau, đối thoại với chính mình, nhân vật và tác giả không đồng nhất, mà nó được “khách quan hóa”, được “gián cách” và đôi khi lạnh lùng, “tàn nhẫn” một chút để nói lên sự thật.

Đối với nhà văn, thì sự thật là không khí. Vấn đề là cái nhìn, điểm nhìn. Nguyễn Khải có thể “lúc thế này, lúc thế kia” là vì phải đuổi theo cái sự thật luôn luôn biến đổi đến chóng mặt đó. Nhưng luôn luôn ông là người biết nghĩ và nghĩ đúng – Trong khi có người mệt mỏi và muốn phủ định cả cái chính nghĩa, cần thiết… của cuộc chiến tranh giành độc lập, cho là nó hao xương tốn máu vô ích, thì Nguyễn Khải – không phải vì hàm Đại tá quân đội – vẫn khẳng định tính tất yếu của cuộc chiến tranh ấy, bằng tác phẩm và bằng phát biểu.

Trong cuộc mạn đàm sau khi bỏ phiếu trao giải thưởng Văn học TP Hồ Chí Minh 2006, hội đồng ngồi lại với nhau, ông nói về cuộc chiến đấu ấy rồi dẫn lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với cán bộ quân đội: “Đảng ta đang phải đối mặt với những quyết định hết sức hệ trọng có quan hệ tới sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia. Trung ương rất lo lắng và muốn các đồng chí cùng chia sẻ những lo lắng cùng Trung ương”. Câu nói một đời ông ghi nhớ! Cũng ít có nhà văn yêu kính Bác Hồ, suy tưởng về Bác nhiều như Nguyễn Khải. Tôi hiểu nhà văn hơn trong câu chuyện ấy.

Kịch Cách mạng, tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm là những suy tưởng của ông về buổi đầu của sự kết thúc chiến tranh 30 năm. Ông chọn tầng lớp trí thức – quan chức cao cấp để tiến hành đối thoại… Cuộc đối thoại dài xoay quanh chủ đề về cái kết thúc chiến thắng và những biến động, tâm trạng, phân hóa của họ… Tôi có cảm giác sự dồn nén, u uất, mâu thuẫn khắc nghiệt, lời qua tiếng lại chan chát… trong kịch Cách mạng, cái không khí nặng nề, cái sự tự mổ xẻ, tự phân thân đầy tính kịch ấy có cái gì như trong kịch Ba chị em của văn hào Nga Tchekhov (ở đây tình cờ cũng là ba chị em). Nguyễn Khải đã khai sinh một thể loại mới, thể loại kịch tâm lý – chính luận trong văn chương Việt Nam…

Trong những tác phẩm như thế, Nguyễn Khải luôn có mặt, luôn tự phác họa chân dung chính trị – đạo đức của mình, nhưng tác giả ẩn kín, không ra mặt. Đó cũng là một thủ pháp. Nguyễn Khải cũng đã để cho Biên, một sĩ quan quân đội Sài Gòn, một người thấu hiểu cái kiếp nô lệ của đời lính cho ông chủ Mỹ, nói lên thật dữ dội, chọi lại cái “cơ hội chính trị” của bà Hoàng, một nhân vật quý phái, đỏng đảnh, mãnh liệt đòi “treo cổ cộng sản lên các cột đèn”, người luôn bảo vệ những giềng mối cũ: “Chúng ta đâu phải là những chính nhân quân tử? Chỉ cần cái mạng sống của riêng mình là chúng ta sẵn sàng phản bội, phản bội mọi người và phản bội chính mình. Chỉ cần mỗi chúng ta có một chút xíu tự do là có thể bán đứt tự do của những người khác, của hàng triệu người khác. Cái tính ích kỷ của chúng ta đã trở thành tội lỗi mất rồi…” (Nguyễn Khải, Ký sự và kịch, tr. 412-413).

Chủ đề “phản bội” cũng là một chủ đề của văn học đương đại, bởi lẽ ngày nay nói như nhà văn Nga Raxputin, có người đang nâng những cung bậc khác nhau của sự phản bội lên thành giá trị. Nhưng chính Nguyễn Khải cũng lại là người hết lòng hòa giải, hòa hợp: ông đến với người khác mình bằng tấm lòng thành, và ông là bậc thầy của sự hòa giải.

***

Nguyễn Khải đã tìm ra cho mình một ngôn ngữ tiểu thuyết của riêng mình. Trong văn chương Việt Nam sau Nam Cao và Vũ Trọng Phụng (nhất là Số đỏ), thì Nguyễn Khải là người khám phá ra được đặc trưng ngôn ngữ mang tính tiểu thuyết hiện đại. Tính đối thoại đã được thực hiện trong tác phẩm Nguyễn Khải trên nhiều cấp độ: cấp độ xã hội, giữa chính – tà, ta – địch (trong Gặp gỡ cuối năm) cấp độ cá nhân và cá nhân, cấp độ tác giả và nhân vật, tôn giáo và phi tôn giáo (Cha và con và…), cấp độ siêu hình học (con người và không gian, thời gian trong Cõi nhân gian bé tí).

Chất đối thoại, suồng sã, giễu nhại ngay chính bản thân mình – làm cho tác phẩm nhạt đi chất “quyền uy” của một số tác giả viết nhân danh lịch sử, tư tưởng… Nguyễn Khải vẫn không thôi là một “cán bộ chính trị quân đội”, vẫn mang “chất tuyên giáo”… nhưng có điều là ông biết đan xen nó với ngôn ngữ tự vấn, với ngôn ngữ đời thường, thông tục; chất trào tiếu dân gian, chất hoài nghi triết học trộn vào nhau. Nên nó mở ra qua những trùng trùng chi tiết cuộc sống vốn rất giàu có ở Nguyễn Khải một bút pháp hiện đại, mang được chiều sâu nghệ thuật, khác với nhiều tác giả đương đại cùng lứa, cùng thời. Đó là chỗ mạnh của ông.

Thế còn chỗ yếu? Nói đi cũng nên nói lại. Ông không phải là “vô địch”… Ông đuổi theo thời sự, nóng, hấp dẫn vô cùng, nhưng “chất báo chí, chất thông tấn” (như có người nói) đôi khi lấn át chất nhân văn vĩnh cửu, đáy sâu xao động lòng người bền lâu của văn chương. Cả đời ông đi, nghe nhìn, quan sát… nhanh nhạy, lý giải thông minh; nhưng ít chất nghệ sĩ bẩm sinh, như ông có lần tự thú nhận.

So với Nguyễn Đình Thi, ông không thể đọ được chất trữ tình sâu lắng, chất triết luận tinh tế trong kịch và thơ, nhưng có lẽ hơn Nguyễn Đình Thi cái gai góc, xù xì của truyện. So với Nguyễn Minh Châu, ông ít xao xác hơn, mặc dù ông “tung hoành” hơn…

Có gì cần nói thêm về Nguyễn Khải? Ông là một con người, một nhân vật của thời đại chúng ta với tất cả mặt mạnh, mặt yếu của nó. Nguyễn Khải là người tinh khôn, không dễ bị lôi kéo (ông “lôi kéo người khác thì có!”). Nói về sự khác biệt giữa chính trị – chính quyền – chính chức và văn nghệ, ông nói rất hay ở nhiều nơi vì ông đã thể nghiệm mối quan hệ này suốt cả một đời. Nhưng có suy nghĩ này về văn học, hồi ông làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, nhân xảy ra “sự cố” báo Văn Nghệ, ông viết thật hay:

“Tôi không thích một lần nữa Hội Nhà văn và lãnh vực văn nghệ lại trở thành một trận địa quyết chiến của mấy ông tranh bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu, cái sự chửi bới, bôi nhọ, vu khống tất cả những ai dám nói ngược, viết ngược; đe dọa ra mặt hoặc bắn tin đe dọa bất cứ ai tỏ vẻ lạnh nhạt, hoài nghi, cái sự tàn sát tận diệt, gây một không khí căng thẳng, hung bạo ấy sặc mùi chính trị. Cứ bảo văn nghệ và chính trị phải chia ra, không được nhập làm một, chúng ta chỉ làm có văn nghệ thôi, nói thế tức là chính trị lắm đấy, chính trị từ gót chân đến đỉnh đầu, vì những người hò hét phải xua đuổi chính trị ra khỏi văn nghệ lại rất thích nắm quyền, rất thích quyền lực, nói ra miệng chứ không phải nghĩ thầm, mà quyền lực là mục tiêu cao nhất của chính trị rồi. Rõ thật cái vòng luẩn quẩn… Một lần nữa, với mấy anh muốn mượn Hội Nhà văn để xây mộng công hầu, tôi xin có lời kêu gọi khẩn thiết: “Hãy buông tha chúng tôi, đừng xúi giục anh em chúng tôi đánh lẫn nhau, đừng quấy nhiễu chúng tôi, đừng lợi dụng chúng tôi!” (trích thư đề ngày 1-9-1988 gởi Ban Chấp hành Hội Nhà văn).Như thế là quyết liệt, rạch ròi lắm đấy chứ, đâu phải “tay mơ”! Chân đế của giàn khoan văn chương Nguyễn Khải vẫn là và bao giờ cũng là chính trị – xã hội với những suy tư đích thực của một văn nghệ sĩ.Tôi tin rằng người đọc, người nghiên cứu vẫn sẽ còn quay lại với Nguyễn Khải lâu dài vì những đặc tính của tác phẩm ông.MAI QUỐC LIÊN

(còn tiếp, mời đọc các đánh giá khác về Nguyễn Khải  tại đây)

Bình luận về bài viết này