Trao đổi về nét đẹp văn hóa

NGỌC PHƯƠNG NAM. Trang Viet-Studies.info gần đây có bài viết hay của Nguyễn Trọng Bình : Làm gì để nâng tầm văn học Đồng bằng Sông Cửu Long? Không hiểu sao khi đọc xong tôi lại vẫn vơ nghĩ sang chủ đề mới Làm gì để nâng tầm văn hóa Việt? Văn là Người. Cái gốc của sự học là học làm người . Nghèo đói, dốt nát thì không thể có tầm văn hóa nhưng giàu sang, nhiều chữ chưa chắc đã văn hóa cao. Người Việt có nhiều phẩm chất tốt và thói hư tật xấu. Một dân tộc muốn trường tồn và phát triển phải loại bỏ được tính xấu và tôn vinh nét đẹp văn hóa như chúng ta đã từng làm Vinh danh hạt ngọc Việt. Có như vậy chúng ta mới nâng được tầm văn hóa và tầm văn học của dân tộc. Chợt dưng tôi nhớ đến lời trao đổi của Khổng Tử về giáo dục văn hóa: “Trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ. Ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng. Thận trọng lời nói mà thành thực. Yêu khắp mọi người mà gần gũi với người nhân. Nổ lực, siêng năng việc làm và chăm chú, chuyên cần việc học.”

LÀM GÌ ĐỂ NÂNG TẦM VĂN HỌC
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG?

Nguyễn Trọng Bình

1. Những năm đầu thế kỷ 21 này, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bất ngờ xuất hiện một Nguyễn Ngọc Tư – cây bút nữ viết văn xuôi tạo được tiếng vang trên văn đàn cả nước. Sự thành công của Nguyễn Ngọc Tư ít nhiều đã tác động và làm thay đổi cách nghĩ của không ít người khi nhìn về văn học ĐBSCL nói chung. Tuy nhiên, có thể thấy, trong lúc nhìn lại hay nhìn về văn học vùng ĐBSCL không ít người vì quá “ngất ngây” với thành công của Nguyễn Ngọc Tư nên khi đánh giá về tiềm năng văn học nơi đây thường hay “hào phóng” ban tặng không ít những nhận định toàn một “màu hồng”. Và để “động viên” tinh thần của các nhà văn vùng đồng bằng, không ít người thường hay “tư vấn”, đại loại như: nếu biết “khai thác” chất liệu văn hóa ruộng đồng sông nước; “phát huy”, “tận dụng” tối đa “thế mạnh” văn hóa vùng”; phát huy “thế mạnh” về lịch sử khẩn hoang, lịch sử đấu tranh cách mạng của cha ông; những vấn đề về nông nghiệp – nông dân – nông thôn”… Hay: “làm thế nào để phải đẩy mạnh công cuộc xã hội hóa về văn học văn nghệ”; rồi “tạo thêm nhiều diễn đàn”, “sân chơi” cho các nhà văn; “tăng cường tổ chức những khóa tập huấn hay những chuyến đi thực tế lấy cảm hứng sáng tác”… thì văn học ĐBSCL hứa hẹn sẽ còn thành công hơn nữa.

Thật ra mà nói, với những cách nói như thế này về mặt “quan điểm chung” thì có thể hoàn toàn “yên tâm” vì chẳng có gì sai trái cả. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh đời sống văn hóa xã hội hiện nay thì đây là cách nói, cách nghĩ, cách tư duy quá cũ kỹ, lạc hậu và có gì đó hơi bị… ngây thơ. Nếu bình tâm nhìn lại mọi người sẽ thấy, cũng với cách tư duy như thế này mà đã lâu rồi chúng ta dù trong tay nắm giữ 4.000 ngàn năm lịch sử văn hóa cha ông nhưng đến nay một cái Nobel văn học vẫn mãi là sự tìm kiếm trong vô vọng đó thôi. Cho nên, giờ đây mà ngồi nhai đi nhai lại mớ “lý thuyết” trên rồi xem như đó là “phương hướng” hay “định hướng” chung cho việc sáng tác thì nói thật, rất khó để văn học ĐBSCL có thêm một Nguyễn Ngọc Tư thứ hai; còn lâu mới góp phần đưa văn học nước nhà tiến vào sân chơi thế giới. Bởi suy cho cùng những việc làm trên chỉ có ý nghĩa thuần túy “phong trào” vặt vãnh thôi. Thử đặt vấn đề nếu tất cả những điều trên được đáp ứng thì liệu văn chương ĐBSCL sẽ nâng tầm lên thật không?

2. Suy cho cùng nếu nói về văn, hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng thì vùng, miền nào chẳng có? Và thực tế cũng chẳng ai quên những điều ấy cả. Thế nhưng, đây là vấn đề hoàn toàn khác với chuyện sáng tạo nghệ thuật đặc biệt là sáng tạo văn chương. Vì thực ra, là nhà văn anh sống ở đâu, đi thực tế ở đâu, “thu lượm” được gì điều ấy không quan trọng. Mà quan trọng là cách anh chiêm nghiệm, cách anh tư duy về những điều đã trải nghiệm như thế nào và bằng cách nào? Hơn nữa, yêu cầu tối quan trọng đối với một nhà văn, một người nghệ sĩ là phải có một cái đầu biết tưởng tượng; nhà văn phải biết tưởng tượng nhằm sáng tạo ra một thế giới khác với thế giới của cuộc đời thường nhật mà anh đang sống chứ không phải cứ “thấy sao viết vậy”, “thấy gì viết nấy”. Ngoài ra, văn chương không phải là chuyện “thụ ơn” và “trả ơn” cuộc đời một cách máy móc như thế được; tác phẩm văn chương nếu chỉ được “thai nghén” theo kiểu tổ chức vài ba chuyến “về nguồn” sẽ rất có nguy cơ trở thành “văn chương minh họa”; nhà văn mà sáng tác với tâm thế “viết để trả cho xong nợ” với cơ quan chủ quản, với địa phương vừa mới bỏ tiền tổ chức cho anh đi “thực tế” hay dự “hội trại sáng tác” ở đâu đó là xúc phạm nghệ thuật, là hạ thấp nghề văn, là hạ thấp chính mình.

Cho nên, ở đây một yêu cầu đặt ra cho mỗi người cầm bút là ngay ở thời điểm hiện tại – cái thời điểm mà chính anh đang có mặt, đang cùng đồng bào mình, dân tộc mình tận mắt chứng kiến những vấn đề của cuộc sống đang diễn ra – những vấn đề này trước hết đã tác động đến anh như thế nào, anh tư duy về những điều ấy như thế nào? Và như thế điều quan trọng đối với mỗi nhà văn ở đây chính là vốn tri thức để có thể “dung nạp” và xử lý “tư liệu” trong quá trình sáng tác. Phải có tri thức để tư duy, để chiêm nghiệm, để nghiền ngẫm những vấn đề của của sống đang ngày một biến đổi từng phút, từng giây ngoài kia; những vấn đề của dân tộc và thời đại. Và tri thức do đâu mà có. Xin thưa, là do giáo dục. Giáo dục sẽ mang đến tri thức, giúp nâng tầm hiểu biết, nâng tầm nhận thức của con người về mọi vấn đề của đời sống xã hội trong đó có văn chương nghệ thuật.

Đến đây, có thể nói có một vấn đề mà ai cũng biết đó là so với các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam là một nước có nền giáo dục lạc hậu và trì trệ. Còn ở trong nước vì nhiều lý do khác nhau, một thời gian dài ĐBSCL là nơi mà giáo dục nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức dù đây là “vựa lương thực” của cả nước. ĐBSCL là “vùng trũng giáo dục” của cả nước chính điều này làm cho ĐBSCL rất khó vươn lên phát triển so với các địa phương khác trong đó có văn chương nghệ thuật (không hiểu sao lại có chuyện ngịch lý như thế?). Cho nên, chúng ta có thể vui mừng, có thể tự hào về sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Tư – cây bút trẻ vùng ĐBSCL nhưng cũng không nên tự mãn, tự bằng lòng hay “tự an ủi” nhau bằng những nhận định, những phán xét thiếu cơ sở cả về lý luận lẫn thực tiễn. Ví như có không ít người trong khi nhận định về nghề văn chỉ cần năng khiếu, kinh nghiệm sống và đam mê là có thể trở thành nhà văn. Nhiều người còn dẫn ra nhà văn này, nhà văn kia học chưa học hết tiểu học; hay mới tốt nghiệp cấp hai, cấp ba… để minh chứng cho lập luận của mình và an ủi lẫn nhau. Thực ra đây là cách nghĩ rất sai lầm. Thứ nhất, thực ra có những nhà văn nếu chỉ nhìn vào cái “bằng cấp” đơn thuần thì có thể họ không bằng ai tuy nhiên trên thực tế họ là những người sở hữu vốn tri thức rất đồ sộ nhờ quá trình tự học rất đáng nể. Tiêu biểu nhất cho vấn đề này là trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng chỉ học xong tiểu học (cũng xin nói thêm tuy chỉ xong tiểu học nhưng so với những Tú tài, Cử nhân thậm chí Thạc sĩ, Tiến sĩ của không ít người hiện nay chưa chắc đã bì được với cái tiểu học ngày xưa của Vũ Trọng Phụng đâu). Thế nhưng, thử hỏi ở Việt Nam có mấy người được như Vũ Trọng Phụng?

Thứ hai, tác phẩm văn học sẽ nói lên trình độ hiểu biết, vốn văn hóa và tri thức của người sáng tạo ra nó. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay nếu anh muốn góp mặt vào sân chơi rộng lớn hơn nhất định anh phải đạt một trình độ hiểu biết tương xứng chứ không thể quanh quẩn trong cái “ao làng” mãi được. Và thực tế cũng cho thấy từ sau thành công của Nguyễn Ngọc Tư tới nay, ĐBSCL tuy cũng có vài tác giả trẻ đoạt giải này giải nọ ở một vài cuộc thi văn chương nào đó, thế nhưng thực sự vẫn chưa có cây bút nào có thể làm cuộc bứt phá hay cho thấy một “nội lực” có thể tham gia vào “cuộc đua” đường dài như Nguyễn Ngọc Tư. Nhìn chung, văn học ĐBSCL vài năm trở lại đây vẫn là một tập thể “hát” chung giọng, chung điệu “bài hát” có tên “Văn hóa sông nước” và “phương ngữ Nam bộ”; quanh đi quẩn lại vẫn là những bài “tụng ca” mang lại một “chỉ số an toàn rất cao” cho người sáng tác nhất là về mặt “quan điểm”. Nếu không nhắc lại “lịch sử đấu tranh gian khổ, hào hùng” của cha ông thì cũng là “văn hóa ruộng đồng, sông nước”; hay “con người miền Tây nghĩa tình, chân chất”… thế thôi.

Hay như vì sao thế kỷ 21 rồi mà truyện ngắn Cánh đồng bất tận hay bài thơ Trăng nghẹn của Nguyễn Ngọc Tư và Hoài Tường Phong vẫn có người xem là những tác phẩm “có vấn đề”? Có thể nói, tất cả đều do nhận thức non nớt của những con người sống quẩn quanh ở cái “ao làng” mà ra; do mặt bằng tri thức và sự tác động của nền giáo dục lạc hậu mà ra.

3. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức trong bài viết“Vô sỉ bất thành nhân” cho rằng:“Ai cũng yêu quê hương, nhưng chớ tưởng quê hương là thứ sọt rác bao dung vô điều kiện để người ta muốn thì cứ thổn thức “tôi yêu quê hương”, bởi lẽ có một phương ngôn chí tử rằng“Tình yêu không có giá nhưng đòi trả giá”. Tình yêu có tiến trình của nó, giả sử ta yêu hạt gạo thì phải cấy cày chứ không thể cứ ra chợ xúc bừa của người ta. Ta yêu tiền thì phải lao động từ tay nghề đơn giản đến tay nghề phức tạp chứ đừng làm theo kiểu cứ thò tay vào túi người khác. Còn ta muốn yêu đời ư, người ta đã phải học từ trí – đến thể – đến mỹ nhọc nhằn thế nào để nâng cao chất lượng sống của cuộc đời.”[1]

Có thể nói, đây là ý kiến rất hay ở phương diện nào đó rất đáng để cho mỗi người cầm bút hiện nay suy ngẫm. Và phải chăng trong tình hình hiện nay, để có thể nâng tầm văn học ĐBSCL nói riêng và văn học cả nước nói chung thì mỗi nhà văn hay rộng hơn những người đang làm việc ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ (các cơ quan quản lý văn hóa nói chung) phải tự soi rọi là lại mình; phải tự đặt mình trong mối tương quan với bạn bè thế giới; phải lấy cái văn minh, cái tri thức, cái hiểu biết bạn bè thế giới làm “đối trọng” và là mục tiêu để phấn đấu. Nói cách khác, phải lấy cái văn tài của người để soi rọi lại cái “văn tài” của chính mình chứ không thể cứ quẩn quanh trong cái “ao làng” địa phương cục bộ mãi được!

 

Cần Thơ, 7/11/2011

Nguyễn Trọng Bình

Nguồn : Viet-Studies.info


[1] Bài viết “Vô sỉ bất thành nhân” của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức được người viết dẫn lại từ  website Vantuyen.net

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Bình luận về bài viết này