Thơ văn Trần Đăng Khoa: cảm và nhận

Lê Lựu nói về Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa: “Tất cả những truyện viết trong Đảo chìm, Khoa đã kể cho tôi nghe không dưới 10 lần (!), nhưng đến khi đọc văn vẫn thấy có cái gì như mình mới khám phá, như mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như thần. Mà chuyện thì rõ ràng là đã nghe kể đến thuộc làu rồi”. Tôi cũng đã đọc Chuyện ở Quảng Bình không dưới 10 lần, đã tự mình chép lại những bài của Khoa mà tôi tâm đắc nhất vào thư mục cá nhân. Thế nhưng, khi tôi đọc lại bài  này cũng vẫn thấy “có cái gì như mình mới khám phá, như mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như thần”. Lạ, thật lạ! Đúng là văn chương đích thực: thật, giản dị và ám ảnh !

Tôi có duyên với Trần Đăng Khoa ở ba việc:

Thứ nhất, thuở 17 tuổi, tôi được nghe duy nhất một lần bài thơ dài của Khoa “Em kể  chuyện này” do bác Xuân Diệu đọc. Thế nhưng, không hiểu sao, sau đó tôi đã nhập tâm thuộc luôn bài ấy cho đến ngày nay. Điều này cũng hệt như việc tôi thuộc ngay bài thơ “Qua đèo chợt gặp mai đầu suối” của Bác Hố, tuy chỉ được nghe duy nhất một lần từ lời kể của bác Xuân Thủy trên đỉnh đèo Ngang nhưng nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà ít thấy sách báo nào nhắc đến hơn bốn mươi năm qua. Khi anh Gia Dũng làm sách Nghìn năm thương nhớ, anh đã sưu tầm bài “Tầm hữu vị ngộ” (Tìm bạn không gặp) và nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa, dịch thơ.
Tôi nghiệm ra: khi mình rất thích điều gì mới tự nhớ được. Thơ Trần Đăng Khoa có  nhiều bài được bạn đọc nhớ.

Thứ hai, tôi cảm nhận sâu sắc hai câu thơ tuyệt diệu của Khoa trong “Đêm Côn Sơn”:Ngoài thềm rơi cáí lá đa.Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” khi một mình ngồi ở hang cọp sau chùa Bảo Sái lúc hai giờ rưỡi khuya, trong đêm rất tối và vắng, lắng nghe tiếng rơi rất khẽ của lá cây gạo 700 tuổi trên non thiêng Yên Tử.  Qua việc nửa đêm thành tâm đi bộ từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng, tôi mới thấm hiểu lời của đức Nhân Tông “giờ Tý . Ta phải đi rồi” và câu thơ thần Nguyễn Trãi “Non thiêng Yên tử  chòm cao nhất/ Trời mới canh năm đã  sáng trưng” mới hiểu “Đêm Côn Sơn””Tâm sáng Ức Trai trong tựa ngọc”

Và thứ ba là bài ký  “Chuyện ở Quảng Bình” vì tôi có sự đồng cảm của người trong cuộc. Anh Hoàng Hữu Ái cùng quê Quảng Bình, cùng học Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc (Anh Ái trồng trọt ba, tôi trồng trọt bốn) cùng đi bộ đội ngày 2.9 và cùng chung đơn vị . Sau này tổ chúng tôi bốn người, anh Xuân và anh Chương hi sinh, anh Trung và tôi sau khi đất nước thống nhất trở về Trường học tiếp. Tôi đã kể chuyện này trong “Thầy bạn là lộc xuân của  cuộc đời”. Cám ơn Khoa về những trang văn thật nhân hậu và sâu sắc.

Những bài của Khoa mà mình tâm đắc nhất được chép riêng ở đây

Hoàng Kim

NGỌC PHƯƠNG NAM

Bình luận về bài viết này