Đinh Đình Chiến


THUNG DUNG. Tôi lặng  người khi đọc xong bài “Điều không có trong bài giảng” của anh Đinh Đình Chiến. Anh Chiến là hiệu trưởng  của Trường THPT Hùng Vương, chủ bút của blog Góc khuất . Anh là bạn học thuở nhỏ của tôi ở   Trường cấp ba Bắc Quảng Trạch, Đồng hương Quảng Bình, chúng tôi  xa quê trên ngàn cây sồ và  tình cờ gặp nhau ở đất phương Nam. Dịp ấy, tôi ngỡ ngàng khi anh bất chợt phát hiện:  “Phải Kim đấy không? Cậu có phải là Hoàng Kim trong bài thơ của thầy Côn: Thương em nhỏ gieo neo mẹ mất/ Lại cha già giặc giết hôm qua/ Tình thầy, tình bạn thiết tha/Đấy là tình nghĩa thiết tha mặn nồng”. Tôi choáng người khi anh đọc lại rành rọt những câu thơ  trong bài thơ của Thầy cách đây trên bốn mươi năm, tưởng đã chìm sâu vào ký ức. Sau đó chúng tôi có những lần gặp nhau nhưng vì xa cách nên cũng không thường  gặp. Trang viết  www.dinhdinhchien.vnweblog.com tôi thỉnh thoảng ghé. Bẳng đi chưa lâu, những bài viết mới của anh làm tôi bồi hồi, ngở ngàng. Thôi thì đành lòng chưa viết dài chỉ xin  lưu dấu Lộc xuân nơi đây để thỉnh thoảng đọc lại.

ĐIỀU KHÔNG CÓ TRONG BÀI GIẢNG
Đinh Đình Chiến

Đến bây giờ, nghiêm túc nghĩ lại, tôi nghiệm ra một điều: không được chủ quan trong bất cứ một tiết dạy nào. Điều đó càng có ý nghĩa đối với một người dạy văn như tôi. Con người ta, khi đã tuổi nghề lâu năm, đôi lúc cảm thấy mọi việc ở đời mình đã nếm trải, vì vậy trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể tìm cách giải quyết đúng đắn bằng kinh nghiệm, rồi chẳng cần phải lo toan gì cho mệt trí. Chính tôi đã thích thú trong sự an bài ấy, để rồi phải trả giá khá đắt. Thú thật, nhiều lúc tôi đã dựa dẫm vào thâm niên công tác để bao che cho sự thiếu trách nhiệm của mình. Nhưng rồi không có sự việc nào mà thời gian không lột tả được, tôi cay đắng ngậm ngùi. Cũng may đó là một lần ngậm ngùi êm ái.

Tháng ba, Sở Giáo dục tổ chức thi giáo viên dạy giỏi bậc trung học trong phổ thông toàn tỉnh tại thị xã. Giáo viên các trường tập trung đông đủ. Các giờ dạy được khẩn trương tiến hành, nghiêm túc, căng thăng. Sau mấy giờ thao giảng, ai cũng phờ phạc, kiệt sức. Ban giám khảo bận túi bụi. Tiếng bàn tán của giáo viên dự giờ ồn ào, không ngớt, ở đâu cũng rì rầm bình phẩm.

Riêng mình, tôi quá tự tin. So với mọi người về dự thi, tôi là người thuận lợi nhất. Tôi sẽ thực hiện những tiết ngay tại trường mình giảng dạy. Hơn nữa, điểm mặt những người dự thi không ai có tay nghề lâu bằng tôi. Ai cũng nghĩ rằng tôi là người tiếp cận gần nhất đến thành công. Tôi rất bình tĩnh, chững chạc. Nói vậy thôi, bên ngoài tôi cố tạo cho mình phong thái ung dung, thong thả nhưng bên trong ngầm có một kế hoạch chen đua: Mình cố gắng để gây ấn tượng mạnh về nghề nghiệp trước bá quan thiên hạ, Và hơn thế nữa, trong những người về dự thi có cả cô ấy… Hà. Nghĩ cũng kỳ, con trai ở tuổi ba mốt, ba hai như tôi khi nghĩ đến “chuyện yêu” mà vẫn cứ thấy xốn xang hồi hộp. Cũng chính cái chất men kỳ lạ ấy đã kích thích tính hiếu thắng trong tôi và tôi đã lao vào việc như một chú gà chọi đang say đá.

Tiết thứ nhất, tiết tự chọn, tôi dạy ở lớp mười hai. Đây là một giờ dạy theo tôi là tốt. Mọi người gặp tôi vui vẻ bắt tay chúc mừng sự thành công. Những người ít tuổi gặp tôi tỏ ra thán phục. Tối đó đi chơi với Hà, tôi có xa xôi ướm hỏi: những nhận xét về giờ dạy, Hà đấm nhẹ vào lưng tôi: – Anh thì bốc lắm. Hà nói thế, nhưng dưới ánh đèn mờ của điện công viên tôi vẫn thấy đôi mắt em long lanh tỏa ra những ánh sáng tràn trề của một niềm vui sướng, tự hào. Tôi kín đáo tận hưởng những giây phút tuyệt vời như thế.

Mặc dù biết giờ dạy của mình sẽ được xếp loại tốt. Tôi vẫn vờ vịt đến gặp một trong những giám khảo cuộc thi để thăm dò:

– Anh xem giờ dạy như thế nào? Đây là giờ dạy đầu tiên, có gì anh góp ý để tôi rút kinh nghiệm giờ sau. Tôi hỏi để mà hỏi, để một lần nữa sống trong sự tự hào quá đáng. Tự mình tận hưởng bản thân mình. Cũng chẳng hiểu sao tự dưng tôi lại sa vào những ý tưởng quá sa đà đó. May mắn, là người ít bộc lộ ra ngoài, nên tôi vẫn được tiếng là người khiêm tốn, ham học hỏi.

Sống trong niềm hứng khởi ấy, tôi lao vào chuẩn bị cho giờ dạy thứ hai. Đây là giờ bắt buộc – giờ quyết định của cuộc thi. Tôi được giao dạy bài “Ngục Kontum” của Lê Văn Hiến dạy ở lớp 10. Tác phẩm là một tập phóng sự có tính chất điều tra những sinh hoạt của tù chính trị bị đày lên Kontum năm 1931 và về chính sách cai trị tàn bạo của bọn đế quốc thực dân. Tôi đã đến thư viện tỉnh chọn tài liệu tham khảo. Mặt khác tôi đến nhà bảo tàng năn nỉ mượn được một số tranh, hiện vật để minh họa cho bài dạy sinh động.

Sáng hôm sau, dẫu đang giữa tháng ba nhưng tiết trời hơi lạnh. Tôi thong thả bước lên bậc thang tầng lầu với cảm giác lâng lâng kỳ lạ. – Phải dạy thật hay. Cốt nhất phải tự tin, bình tĩnh. Tôi tự động viên mình.

Lớp 10E đứng lên chào ban giám khảo và các thầy, cô giáo. Sau khi giới thiệu người dự, hỏi bài cũ, tôi vào bài. Nhìn về cuối lớp, mắt xa xôi, giọng tôi nói lúc này nhỏ nhưng rất rõ.

Tháng giêng năm 1942 trong bài “Tiếng hát đi đầy” nhà thơ Tố Hữu đã viết:           “Đường lên Đắc Xút, Đắc Pao.

Đèo leo ngọn thác, núi treo mặt ghềnh

Đìu hiu mấy ổ đồn canh

Lòng đau lai nhớ các anh những ngày…”

Bài thơ không phải chỉ mô tả cái vẳng vẻ xa lạ, hiểm trở của núi đèo Kontum, trên đường nhà thơ bị giải đi đày mà còn là buồn thương uất hận của nhà thơ khi thấy cảnh bỗng nhớ những người đến trước và đã hy sinh (lòng đau lại nhớ các anh những ngày) đó là những ngày đẫm máu những năm 1930-1931 không bao giờ quên được của lịch sử cách mạng nước ta. Khi phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh bị dìm trong sự khủng bố tàn khốc của thực dân Pháp, những ngày thử thách khủng khiếp đối với hàng loạt chiến sĩ cách mạng bị sa lưới quân thù. Đó là những ngày được ghi lại trong “Ngục Kontum”. Tác phẩm được xuất bản năm 1938. Sau lời vào bài các bước tiến hành được thực hiện một cách tốt đẹp. Cả lớp im phăng phắc không một tiếng động. Các em học sinh tay ghi, tai lắng nghe. Mắt chăm chú nhìn tựa hồ như tôi có một sức mạnh thu hút ghê gớm. Khi nói đến tôi ác của bọn thực dân, đế quốc, tôi nhấn mạnh căm uất. Khi nói đến những gương chiến đấu và anh dũng hy sinh, giọng nói âm trầm lắng sâu.

– Anh Trương Quang Trọng hy sinh nhưng không lẻ loi đơn độc. Bên cạnh anh có cả một tập thể, những đồng chí của anh. Trọng ngã, anh em ở sau tiến lên. Lại một phát súng nổ, người thứ hai rồi người thứ ba ngã xuống. Đặng Thái Nguyên bị một viên đạn nằm trong đống xác chết thế mà khi tên Mu-lếch mở cửa vào, anh còn gắng sức vùng dậy văng mạnh vào mặt hắn…

Câu sau giọng tôi nhỏ dần và lạnh hẳn, một giây, hai giây, ba giây. Cả lớp lặng yên không một tiếng động cựa. Hàng chục cặp mắt cảm động đăm đắm hướng về tôi, tôi biết trong phút giây yên lặng ấy tôi đã nói được rất nhiều. Suốt cả quá trình lên lớp tôi đã bị cuốn hút. Trước mắt tôi chỉ còn là bài giảng, bảng đen và những cặp mắt long lanh chăm chú của các em. Không còn biết gì nữa, thậm chí những cặp mắt của cả chục thầy, cô giáo, ban giám khảo đang theo dõi giờ dạy của tôi trước đó có lúc đã làm cho tôi run, thế mà tôi cũng quên từ lúc nào. Tôi canh đồng hồ còn 6 phút, đây là khoảng thời gian ít ỏi còn lại, thành công hay không là ở phút cuối này. Nhưng tôi không lo lắm. Tôi đã tính kĩ từng lời nói, từng cử chỉ cho hợp lý. Đặc biệt đây là phần chuẩn bị công phu nhất.

Tôi chuyển sang phần liên hệ bài giảng với thực tế địa phương- Như các em đã thấy, đọc ngục Komtum, ta thấy rõ bộ mặt hung ác của bọn đế quốc thực dân, càng căm thù chúng. Nhưng so với những hành động khủng bố dã man mà thực dân Pháp đã làm thì thủ đoạn của đế quốc mĩ và bọn tay sai trong thời kì Miền Nam còn bị tạm chiếm khốc liệt và dã man hơn nhiều. Sắp tới chúng ta kỉ niệm ngày đất nước thống nhất và ngày giải phóng quê hương, có được hôm nay chúng ta càng ghi nhớ cong ơn trời bể của hàng nghìn chiến sĩ đã hi sinh. Thầy giới thiệu với các em những hình ảnh và hiện vật về gương đấu tranh anh dũng của tỉnh ta, thị xã ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Tôi tỉ mỉ giới thiệu từng bức tranh, trịnh trọng giới thiệu những hiện vật mà hôm trước đã học được ở cô giới thiệu viên của phòng triển lãm tỉnh. Tất cả mọi người dự giờ cùng các em học sinh bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn của phần minh họa.

-Như thế là tốt. Tôi thầm nghĩ. Hiện vật cuối cùng là cuốn nhật ký được đặt ngay ngắn trên một chiếc giá gỗ sơn vàng. Cuốn sổ đã cũ sờn gáy, dấu vết của những tháng ngày gian khổ. Theo tôi biết đây là cuốn nhật ký của một nữ đồng chí đã hi sinh vào tháng hai năm 75 tại nhà giam thị xã. Đồng chí đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Còn ít phút nữa là tổng kết, tôi khôn khéo chọn hiện vật này để giới thiệu, vì tôi biết nó dễ gây xúc động và dễ để lại dư âm tốt trong lòng mọi người sau giờ dạy. – Thành công, mình sẽ thành công. Trong lòng tôi rạo rực vang lên tín hiệu ấy. tôi cẩn thận nâng cái giá trên đó có đặt cuốn sổ lên nói tiếp :

– Các em chú ý đây là kỉ vật quý báu của một nữ anh hùng. Đồng chí ấy là con đẻ của quê hương ta.Chị là niềm kiêu hãnh của tất cả mọi người. Vừa nói tôi đưa mắt nhìn xuống lớp bao quát nhưng đột ngột tôi dừng lại phía bàn gần cuối lớp, ở đó có một học sinh gục đầu xuống bàn. Hiền Lương, em học khá, vừa rồi trong giớ dạy em phát biểu nhiều ý kiến tốt tôi định cho em điểm tám khi kết thúc giờ dạy. Bên cạnh, cô bạn đang cúi sát đầu thì thầm vào tai Hiền Lương. Tôi sững người, câu giảng nửa chừng gãy khúc.

– Các em tập trung, tôi khẽ nhắc, nhưng giọng nói đã hơi xẵng. nghe nhắc, cô gái ngồi cạnh Hiền Lương khẽ ngẩng đầu lên rồi lại cúi xuống. không thể như thế được. tôi cáu kỉnh, sao lại có học sinh vô lễ như thế, ngay cả trong giờ thao giảng có nhiều người tới dự. Nghĩ thế, sự bực tức trong tôi vụt tăng lên. Tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa.

– Hiền Lương tập trung lên bảng . Nói xong câu đó tôi càng uất , cang mất bình tĩnh . mặt nóng ran , mồ hôi lấm tấm trên trán . Tôi bỗng giật mình thảng thốt khi thấy Hiền Lương từ từ đúng lên,trên khóe mi nước mắt vòng quanh.môi em mấp máy trong một niềm xúc động lớn.Em định nói điều gì đó nhưng không nói được thành lời. Em chỉ kịp kêu lên hai tiếng ” Mẹ ơi” rồi em vụt ngồi nhanh xuống ghế, đầu gục vào lòng bàn tay. Hai vai em rung lên. Từ trạng trhai1 bực tức, tôi chuyển sang hoang mang sững sốt.- Đã có chuyện gì đó xẩy ra? Mồ hôi vã ra chiếc áo tôi đang mặc sũng ướt. Không khí lớp học chùng xuống. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía Hiền Lương ngơ ngác dò hỏi! Biết giải quyết tình huống như thế nào đây? Tôi hoảng hốt nhìn về phía cuối lớp, nơi có Hà cầu cứu. Hà cũng bối rối.Một giáo viên còn bình tĩnh ra hiệu cho tôi tiếp tục bài giảng. Tôi định tiếp tục dạy trong trạng thái bị kích đông như thế, thì em học sinh ngồi cạnh Hiền Lương đứng lên: -Thưa thầy Em gái nói, những âm thanh ngập ngừng trong tiếng nấc . Thưa…thầy, cuốn nhật kí ấy là của mẹ bạn Hiền Lương. Thầy tha lỗi cho bạn ấy… Chao ôi tôi đứng sững, đứng như trời trồng giữa bục giảng .Điều bất ngờ ấy ngoài dự kiến của tôi . Cũng chẳng hiểu tôi sẽ tiếp tục như thế nào nếu không có tiếng trống báo hiệu hết giờ .

Giờ dạy hôm ấy không có phân tổng kết , củng cố nhắc nhỡ học sinh, xem như giáo án của tôi bị cháy . Tôi không buồn . Riêng Hiền Lương lấy làm lo lắng , em đến với tôi trong tâm trạng của một người có lỗi . -Em xin lỡi thầy!

– Hiên Lương, em không có lỗi gì cả. Tôi nói với em cũng như nói với mình. Người có lỗi chính là thầy Lương ạ . Thầy có lỗi với những người đã khuất, có lỗi với các em bây giờ . Thầy là kẻ quá vô tình…

1 thoughts on “Đinh Đình Chiến

  1. Chào anh Hoàng Kim. Biết anh được về với thầy cô bè bạn ở trường cấp 3 bắc Quảng trạch tôi thèm đến phát ghen. Thích thật sao anh không chia sẽ với anh em trên logs…rất mong được gặp anh để được chuyện trò…

Bình luận về bài viết này