Giống lúa cho sản xuất ở ĐBSCL

CÂY LƯƠNG THỰC. Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp lần thứ 5 “Sản xuất và cung ứng giống lúa các tỉnh phía Nam”  tổ chức tại An Giang  vào ngày 12.7.2011. GS.TS. Nguyễn Văn Luật, anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Lúa gửi bài tham luận “Loại giống và hạt giống lúa cho sản xuất ở ĐBSCL”. Tài liệu này đã cập nhật thông tin những giống lúa mới triển vọng nhất ở các tỉnh Nam Bộ: “Hội thảo đánh giá giống lúa hàng vụ do Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hàng vài thập kỷ nay, năm nay vào ngày 16/02/2011, có trên 600 người tham dự đã bầu chọn giống lúa “hoa hậu” là OM10041; giống “á hậu” là OM 54541; giống đạt “ngôi thứ 3” là OM 6904 và một số giống khác. Đây mới chỉ là bước khởi đầu, vì đưa được vào sản xuất, còn phải nhân hạt giống, trồng thử để người nông dân tự đánh giá ngay trên đồng đất của mình. Theo trang tin điện tử của Viện Lúa ĐBSCL thì Viện đã có 16 giống lúa chịu mặn gồm các giống thuộc bộ giống OM 5464, 2488, 2818, 6379, 6677, 6074, 4276, 6690, 5651, 6521, 5199ĐB, 576, 2517, 5472, 6561, 2395. Trong đó có 15 giống đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển. Qua thực tế những giống này có ưu điểm kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, ổn định từ 5 – 7 tấn/ha, phẩm chất gạo tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và đang được Cục Trồng trọt khuyến khích nông dân sử dụng rộng rãi trong điều kiện nước mặn xâm nhập và tình hình khô hạn như hiện nay”.

LOẠI GIỐNG VÀ HẠT GIỐNG LÚA CHO SẢN XUÂT Ở ĐBSCL

GS.TS. Nguyễn Văn Luật
Viện Lúa ĐBSCL

1. Lọai giống lúa
Sản xuất lúa ở ĐBSCL năm qua, năm 2010, lại tiếp tục thắng lớn, tiếp tục đạt kỷ lục mới, góp phần quyết định vào kỷ lục của cả nước: sản lượng lúa 39,8 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt 6,7 triệu tấn, đạt kim ngạch kỷ lục: 3,1 triệu USD. Theo Hiệp hội Lương thực, đến 1/4/2011, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khoảng 3,3 triệu tấn gạo, đã giao hơn 2 triệu tấn, giá khoảng 476 USD/ tấn gạo.

Ở ĐBSCL, giá lúa đang lên cao, nửa đầu tháng tư, giá gạo bán lẻ tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg. Bà con nông dân ĐBSCL đang mở rộng diện tích gieo sạ lúa năm 2011, có chiều hướng vượt phạm vi thời vụ khuyến cáo, nhưng phần lớn vẫn nằm trong phạm vi kinh nghiệm của từng vùng cụ thể.

Về khoa học công nghệ, công đầu đạt thành tích trên luôn luôn thuộc về bà con nông dân, rồi đến các cơ quan chức năng liên quan. Để tiếp tục đạt kỷ lục mới trong sản xuất lúa bền vững, cần tiếp tục xác định những khiếm khuyết về nhận thức cũng như hành động, kể cả những vấn đề còn chưa rõ, chưa có cơ sở khoa học vững vàng nên thiên về cảm tính, có vậy chúng ta mới đề xuất được giải pháp khắc phục thỏa đáng.

Cơ cấu giống lúa có hiệu quả cao trước hết phải làm sao để nông dân sản xuất lúa thu nhập cao, hay bán được thóc dễ dàng, đạt giá trị sản lượng lúa của hộ nông dân trồng lúa cao. Có một thời ta khuyến cáo trồng lúa thơm đặc sản, tựa như lúa gạo Thái Lan. Trồng lọai lúa này thường đạt năng suất thấp hơn nhiều lọai giống thông thường khác, lại nhiễm sâu bệnh, vừa tốn kém nhiều hơn và “đội” giá thành sản xuất lên cao; vừa làm ô nhiễm môi trường hơn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dân. Cho nên, người nông dân chỉ làm theo khuyến cáo trong phạm vi hạn chế, không đạt ý mong muốn của khuyến cáo.

Các cơ quan có nhiệm vụ ở địa phương, như Sở NN và cơ quan trong sở như Trung tâm Giống, Trung tâm Khuyến nông, Chi Cục BVTV.. cần có thêm điều kiện để xác định được một cơ cấu giống thich hợp cho từng điều kiện cụ thể trong mỗi vụ của địa phương mình, trên cơ sở khuyến cáo chung của Bộ NN & PTNT, và kinh nghiệm sản xuất ở chính địa phương mình và địa phương bạn. Làm tốt việc này chúng ta có thể vừa phát huy những giống đã quen với đồng đất mình như giống lúa OMCS 2000, IR 50404..; vừa tiếp thu kịp thời giống lúa mới tốt.

Hội thảo đánh giá giống lúa hàng vụ do Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hàng vài thập kỷ nay, năm nay vào ngày 16/02/2011, có trên 600 người tham dự đã bầu chọn giống lúa “hoa hậu” là OM10041; giống “á hậu” là OM 54541; giống đạt “ngôi thứ 3” là OM 6904 và một số giống khác. Đây mới chỉ là bước khởi đầu, vì đưa được vào sản xuất, vì còn phải nhân hạt giống, phải trồng thử để ngừoi nông dân tự đánh giá ngay trên đồng đất của mình. Theo trang tin điện tử của Viện Lúa ĐBSCL thì Viện đã có 16 giống lúa chịu mặn gồm các giống thuộc bộ giống OM 5464, 2488, 2818, 6379, 6677, 6074, 4276, 6690, 5651, 6521, 5199ĐB, 576, 2517, 5472, 6561, 2395. Trong đó có 15 giống đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển. Qua thực tế những giống này có ưu điểm kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, ổn định từ 5 – 7 tấn/ha, phẩm chất gạo tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và đang được Cục Trồng trọt khuyến khích nông dân sử dụng rộng rãi trong điều kiện nước mặn xâm nhập và tình hình khô hạn như hiện nay. Viện lúa ĐBSCL cũng đưa ra khuyến cáo, đối với các tỉnh ven biển có lịch xuống giống lúa Hè Thu chủ yếu trong tháng 6, thu hoạch trong tháng 9; ngành nông nghiệp các địa phương cân đối tỷ lệ giống lúa chất lượng thấp không vượt quá 15%. Đối với lúa thơm, đặc sản cũng không vượt quá 15% diện tích. Như vậy, Viện đã tiếp tục phát huy truyền thống tạo chọn giống lúa phục vụ sản xuất, và có ý thức chuyển bị giống lúa khi diễn biến của biến đổi khí hậu  phức tạp hơn..

2. Thời vụ trồng lúa
Không thể có một khuyến cáo giống, thời vụ và kỹ thuật lúa chung nào đúng trong mọi trường hợp, trong đó có cơ cấu giống lúa, biện pháp gieo sạ lúa đồng lọat để né bọ rầy, tuy về lý thuyết là đúng. Bởi lẽ, giống lúa cũng như các đợt gieo sạ còn phụ thuộc vào nước đến hay nước rút sớm hay muộn ở những vùng cụ thể. Thông tin mới về cơ cấu giống cũng như đợt rầy di trú, rầy có mang virus truyền bệnh là chính xác, có cơ sở khoa học và cơ sở thực tế tình hình rầy vào bẫy đèn được cơ quan chuyên môn của ngành Bảo vệ thực vật theo dõi khá chặt chẽ và có tính chuyên nghiệp khá cao.

Tuy nhiên, vẫn còn có “độ chậm” đến với nông dân trồng lúa, mức đô chậm phụ thuộc vào các kênh thông tin đến bà con nông dân sớm hay muộn, độ chính xác trên đường đi đến nông dân đảm bảo tới mức nào, và nhất là tình hình nước lũ rút sơm hay muộn là điều kiện khách quan để thực hiện lịch thời vụ sạ cấy lúa.. Để phát huy tác dụng của cơ cấu giống thích hợp, và của biện pháp “gieo sạ đồng lọat” để né rầy, cần lưu ý thực tế trên; cũng như xác định gieo sạ đồng lọat trong phạm vi nào phù hợp; đồng thời, không để lu mờ các biện pháp kỹ thuật khác.

3. Về chất lượng hạt giống lúa
Chất lượng hạt giống lúa ngày càng được quan tâm, vì có ảnh hưởng nào đó đến năng suất và chất lượng lúa gạo sau thu họach. Chất lượng hạt giống lúa cho sản xuất lúa ngày càng được cải thiện. Chúng ta đã có tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng hạt giống lúa, đã có phân cấp rõ ràng về các cấp giống: giống tác giả hay giống gốc, giống nguyên chủng, giống xác nhận.

Trong thực tế họat động sản xuất giống có nẩy sinh một số vấn đề và đã được điều chỉnh để có bước đi thích hợp. Điều này chỉ có trong trường hợp giống xác nhận, còn giống nguyên chủng nói chung vẫn đảm bảo đúng. Vì rất khó khăn trong sản xuất đủ giống xác nhận cho sản xuất đại trà, nên tiêu chí có giảm thấp hơn chút ít , có nơi gọi là giống xác nhận 2, có nơi gọi là giống sản xuất, có nơi vẫn cứ gọi là giống xác nhận, tất cả đều đảm bảo chất lượng hơn hẳn tập quán lấy thóc thịt làm giống, và hơn hẳn trước đây khi chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống sản xuất hạt giống lúa ở các địa phương ngày một hoàn chỉnh, An Giang được coi là dẫn đầu.

Trong thời gian qua chúng ta có những tiến bộ liên tục về đảm bảo chất lượng hạt giống lúa cho sản xuất, thể hiện bằng tỷ lệ hạt giống chất lượng cao ngày một tăng. Cho nên, cần thiết gọi đúng phẩm cấp hạt giống đã có tiêu chuẩn VN, không nên. “nâng cấp” khi chưa đạt đủ tiêu chuẩn. Hàng thập kỷ qua có “sự vênh” trong công bố số liệu về phẩm chất hạt giống lúa. Nhiều nơi công bố tỷ lệ đạt giống xác nhận trong sản xuất tới 20%, 30%, cả 40% tổng số hạt giống đã dùng trong sản xuất đại trà. Nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia cho biết giống xác nhận đúng tiêu chuẩn được dùng trong sản xuất có thấp hơn nhiểu. Sẽ dễ dàng hơn việc đề xuất và thực hiện các giải pháp tăng chất lượng hạt giống lúa, nếu chúng ta đánh giá đúng được thực trạng.

4. Sức khỏe của hạt giống và giống kháng sâu bệnh
Có nhiều biện pháp kỹ thuật để giữ gìn và tăng cường “Sức khỏe hạt giống” http://www.blogger.com/img/blank.gifmà các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo, vì: “Tốt giống, Tốt má, Tốt mạ. Tốt lúa” như nông cha ta đã khuyến cáo. Trong y học cũng có khuyến cáo “Nhân cường, Tật nhược”

Tuy nhiên, khi “chấm” giống lúa nào để sản xuất thì lại cần nhớ: giống lúa nào nhiễm bệnh, kháng rầy nâu yếu kém, thì dù hạt giống, cây mạ, cây lúa có khỏe đến đâu thì vẫn nhiễm rầy, nhiễm bệnh nếu có nguồn sâu bệnh trên đồng ruộng.

Bài đã đăng báo Nhân dân ngày 11/5/2011

Xem thêm:

Sản xuất lúa chất lượng cao để nâng giá trị gạo xuất khẩu

Nhân Dân Online, cập nhật lúc 03:07, Thứ hai, 11/07/2011 (GMT+7)

Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cưu Long. Ảnh : Hoàng Hùng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA),  sáu tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 3,912 triệu tấn gạo các loại, đạt trị giá kim ngạch 1,874 tỷ USD, tăng 17,57% về lượng và tăng 24,71% về trị giá so  cùng kỳ năm 2010. Với đà này, dự kiến lượng gạo hàng hóa xuất khẩu cả năm 2011 có thể đạt bảy triệu tấn.


Xuất khẩu tăng, chất lượng ổn định

Có được con số xuất khẩu gạo kỷ lục 3,9 triệu tấn trong tình hình diễn biến thị trường lương thực trong nước và ngoài nước liên tục diễn ra những biến động giá cả ngược chiều, mới thấy cố gắng nỗ lực của bốn nhà: nông dân – nhà khoa học – doanh nghiệp – Nhà nước, trong việc sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo  Việt Nam. Trong khi theo dự báo, những tháng đầu năm, việc xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị ở Trung Ðông, thị trường lớn Phi-li-pin thay đổi chính sách nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, gần đây thị trường gạo thế giới đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho  doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của Việt Nam. Lượng gạo giao cho thị trường châu Phi tăng 55,88% so dự kiến. Gạo xuất cho các nước châu Á cũng tăng 10,54%. Mới đây, chính phủ Phi-li-pin chuyển hợp đồng cấp chính phủ sang tư nhân với số lượng nhập gạo 660 nghìn tấn, trong đó các DN trong nước đã ký hợp đồng xuất 567 nghìn tấn gạo. Băng-la-đét không chỉ nhập khẩu gạo trắng mà còn nhập khẩu gạo đồ (mặt hàng khá mới của Việt Nam) góp phần giải quyết việc tiêu thụ lúa tươi. Các nước In-đô-nê-xi-a và  Trung Quốc đang có kế hoạch nhập gạo với số lượng lớn. I-rắc vẫn nhập thường xuyên mỗi tháng 100 nghìn tấn. Theo VFA, dự kiến cân đối xuất khẩu gạo sáu tháng cuối năm có thể lên đến hơn ba triệu tấn. Như vậy, tổng lượng gạo cả năm có thể xuất khẩu lên đến bảy triệu tấn.

Cũng theo VFA, do chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng ổn định nên độ ‘vênh’ giá cả giữa gạo Việt Nam và Thái-lan không xa như trước. Giám đốc Công ty Mê Kông (Cần Thơ) Lê Việt Hải cho biết: ‘Trước đây chất lượng gạo của Việt Nam không bằng gạo của Thái-lan nhưng hiện nay biên độ này đã được thu hẹp nên giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam không còn là trở ngại khi chào bán ở các thị trường ngoài nước’.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cũng cho biết: ‘Năm nay xuất khẩu gạo có khả năng vượt dự kiến đề ra chính nhờ Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách đầu tư về giống, khoa học – kỹ thuật, thủy lợi, phân bón, lãi suất cho vay… cho nông dân nhằm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống để chuyển mạnh sang sản xuất những giống lúa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước’.

Mới đây, tám thành viên của Tổng công ty Lương thực miền nam cùng nhau hợp tác đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu lúa đông xuân 2010 – 2011, với gần bảy nghìn ha thu mua được 8.631 tấn. Vụ đông xuân 2011 – 2012, Công ty lương thực Long An sẽ đầu tư 500 ha lúa chất lượng cao tại Mộc Hóa theo hình thức bao tiêu trọn gói. Nhờ vậy, diện tích đất lúa năm 2010 giảm 380 nghìn ha so  năm 2000 nhưng sản lượng tăng mạnh nhờ năng suất nhảy vọt từ 3,18 tấn/ ha (bình quân cả nước năm 1990) lên 5,3 tấn ha, trong đó khoảng 500 nghìn ha vụ đông xuân đạt từ bảy tấn/ha trở lên. Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất, chiếm 22% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới.

Vẫn còn nhiều biến động

Từ nay đến cuối năm, giá gạo thế giới vẫn còn nhiều biến động bất thường do kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn với những bất trắc khó lường. Thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. Kinh tế trong nước sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế thế giới khiến lãi suất, giá tiêu dùng khó giảm. Việc cảnh báo của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) về khủng hoảng giá lương thực thế giới là có cơ sở, nhưng nguyên nhân chủ yếu không bắt nguồn từ lúa gạo. Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, tổng sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ tăng 10,6 triệu tấn (2,2%) so niên vụ trước, trong khi tổng tiêu dùng chỉ tăng gần 8,9 triệu tấn, nên dự trữ gạo thế giới cuối niên vụ này vẫn tăng 4,5 triệu tấn. Dự báo tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2011 tăng 2%, đạt 40,7 triệu tấn (27,15 triệu tấn quy gạo). Trong khi đó, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) lại cảnh báo có thể tái diễn cuộc khủng hoảng gạo như năm 2008. Dù trong tám tháng (tính đến tháng 2-2011) giá gạo chỉ tăng 17% nhưng giá lúa mì tăng 121%.

Ðể việc sản xuất, xuất khẩu cũng như bảo đảm an ninh lương thực trong nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị các DN cần linh hoạt, chủ động trong hoạt động mua bán và nắm giữ nguồn hàng. Xuất khẩu không hạn chế về số lượng song các DN phải thực hiện nghiêm giá bán. Sắp tới sẽ có thêm nhiều DN nước ngoài và cả trong nước tham gia lĩnh vực xuất khẩu gạo, do đó, cạnh tranh thu mua nguyên liệu sẽ gay gắt hơn các năm trước. Trong khi đó, theo các DN, việc đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gạo theo hướng dẫn của Bộ Công thương đang làm ‘khó’ DN bởi đến nay mới có bảy trong số 211 DN xuất khẩu gạo được cấp giấy chứng nhận trong khi hạn chót để thực hiện quy định này là từ ngày 1-10-2011. Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật và có lộ trình hoàn chỉnh để DN có thời gian chuẩn bị. Các DN cũng đề nghị hiệp hội nên tiếp tục cho mua tạm trữ một triệu tấn gạo (đợt hai) nhằm chủ động ổn định nguồn nguyên liệu, góp phần bình ổn giá và bảo đảm tiêu thụ lúa gạo trong nước.

Ðiều quan trọng cần làm ngay nhằm nâng giá trị hạt gạo Việt Nam còn là nâng cao mối liên kết giữa sản xuất – tiêu thụ – xuất khẩu giữa các tỉnh vùng lúa một cách chuyên nghiệp, bài bản nhằm tạo ra nhiều mặt hàng mới từ lúa, gạo. Phát triển và tiến tới xây dựng vùng lúa chất lượng cao, quy mô lớn, có thương hiệu riêng, phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Tích cực nâng cao thu nhập của người trồng lúa gắn với phát triển nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. VFA và các DN hội viên cần xây dựng chiến lược khai thác thị trường trong nước hướng vào tầng lớp dân cư đô thị với thị hiếu gạo phẩm cấp tốt, giá cao.

BĂNG CHÂU

Tin liên quan:
Cần Thơ: 9 giống lúa mới triển vọng được bình chọn từ vụ Đông Xuân 2011
Hội thảo đánh giá tuyển chọn giống lúa ngắn ngày vụ hè thu 2011
Giống lúa
THÔNG TIN VỀ GIỐNG LÚA Nhu cầu bức thiết của nông dân

CÂY LƯƠNG THỰC
; FOOD CROPS

NGỌC PHƯƠNG NAM

3 thoughts on “Giống lúa cho sản xuất ở ĐBSCL

  1. Pingback: Kỳ tích từ cây lúa, củ khoai ở Hòn Ðất | Ngọc phương Nam

  2. Pingback: Gardening Daily Tips July 7 | Food Crops

  3. Pingback: Sản xuất và cung ứng giống lúa các tỉnh phía Nam | Ngọc phương Nam

Bình luận về bài viết này