Rễ lá liền nhau, động vẫn im

NGỌC PHƯƠNG NAM. Tỉnh như núi, ôn hoà, chăm chú theo dõi, lo ngại và quan tâm sâu sắc, đó  là thái độ của phần lớn dân chúng Việt trước những hành động gây hấn ngang ngược của  tàu hải giám Trung Quốc ngày 26 tháng 5 năm 2011, xông vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tấn công, cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh.  Ngày 9 tháng 6 năm 2011, tàu Trung Quốc lại hung hãn xông vào cắt cáp tàu Viking đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với ý đồ xấu xa là biến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành vùng đang tranh chấp để thưc hiện cái gọi là “gác bỏ tranh chấp, cùng nhau khai thác” “Chủ quyền thuộc tôi, cùng nhau phát triển, thoả hiệp hoà bình, chia sẽ lợi ích” với ưu thế vượt trội của Trung Quốc; áp đặt thô bạo đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông mà không có cơ sở lịch sử, pháp lý nào. Vì sao dân chúng Việt ít tụ họp biểu tình trước những gây hấn liên tiếp trên biển Đông với những lời lẽ rất khiêu khích trên điện báo Trung Quốc binh khí đại toàn và Thời báo Hoàn Cầu ? liệu họ thiếu thông tin, sợ hãi, mất dân chủ, thờ ơ hay đó là “một vùng biển sâu, lắng sóng từ hai phía”? Qua trãi nghiệm mới thấm hiểu tầm sâu của nền văn hóa Việt qua bài thơ Vịnh bèo mạnh hơn ba mươi vạn quân của Giáp Hải “Rễ là liền nhau, động vẫn im” hay như bài  trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) của TS Vũ Cao Phan tối 25/6,

BÀI THƠ MẠNH HƠN BA MƯƠI VẠN QUÂN CỦA GIÁP HẢI

Giai thoại “Bài thơ vịnh bèo“:

Năm Đinh Dậu, nhà Minh mư­ợn cớ phò Lê diệt Mạc hòng thôn tính nư­ớc ta, sai đô đốc Cừu Loan và tư­ớng Mao Bá Ôn đem quân hùng hổ tiến vào cửa ải Pha Luỹ. Chúng gửi chiến thư­ cho triều đình Mạc, bảo phải đầu hàng thì mới tránh khỏi hoạ. Kèm theo th­ư là một bài thơ Bèo thách hoạ, d­ưới ký tên Mao Bá Ôn.

Tuỳ điền trục thuỷ mạc ­ương châm
Đáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu căn miêu không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết, cảm sinh tâm
Đồ chi tụ sứ ninh chi tán
Đản thức phù thời ná thứ­c trầm
Đại để trung thiên phong khí ác
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.

(Mọc theo ruộng n­ước hóp như­ kim
Trôi dạt lênh đênh chẳng đứng im
Nào có gốc sâu, nào có lá
Dám sinh cành nhánh, dám sinh tim
Tụ rồi đã chắc không tan tác
Nổi đó nào hay chẳng đắm chìm
Đến lúc trời cao bùng gió dữ
Quét về hồ bể hẳn khôn tìm)

Vịnh bèo nh­ưng dụng ý của Mao Bá Ôn là coi khinh nư­ớc Nam sức yếu lực nhỏ, mong manh trôi dạt nh­ư cánh bèo mặt n­ước lênh đênh, chỉ một cơn gió là tan tác. Vua Mạc Đăng Dung giao cho Giáp Hải lên tận biên ải. Trong khi giao tiếp, Trạng Giáp Hải đã hoạ đáp:

Cẩm lâm mật mật bất dung châm
Đái diệp liên căn khởi kế thâm
Thư­ờng dữ bạch vân tranh thuỷ diện
Khẳng giao hồng nhật truỵ ba tâm
Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Đa thiểu ngư­ long tàng giá lý
Thái công vô kế hạ câu tầm.

(Ken dầy vải gấm khó luồn kim
Rễ lá liền nhau, động vẫn im
Tranh với bóng mây che mặt n­ước
Chẳng cho tia nắng rọi xuyên tim
Sóng dồi muôn lớp thư­ờng không vỡ
Gió táp ngàn cơn cũng chẳng chìm
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn
Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm).

Trong bài thơ hoạ, thấy lời lẽ mạnh mẽ, Mao Bá Ôn và Cừu Loan bàn bạc với nhau, nhận định rằng nư­ớc Nam có thực lực, ch­ưa thể nuốt trôi đư­ợc, lặng lẽ có trật tự cho lui binh về.

Nguồn: Vĩ nhân Online. Giáp Hải Bài thơ Vịnh bèo

LIỆU AI SẼ THẮNG AI TRONG CUỘC CHIẾN BIỂN ĐÔNG ?

Theo.viet-studies.info Nếu khai chiến trên biển Đông, Hoa lục có thể thua Việt Nam  
Một số tờ báo của Hồng Công gần đây như “Đại công báo”, “Văn Hối”, “Đông phương” và nguyệt san “Phòng vệ Hán Hoà” dẫn lời các nhà quan sát quân sự Bắc Kinh cho rằng tuy từ đầu năm 2009 đến nay, các bước chuẩn bị đấu tranh quân sự của Hoa Lục trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông (Hoa Lục gọi là biển Hoa Nam) vô cùng rầm rộ. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều rào cản khiến Hoa Lục chưa thể áp dụng hành động quân sự thực tế trong tranh chấp chủ quyền biển Đông. Các chuyên gia quân sự Hoa Lục cũng cảnh báo nếu Bắc Kinh áp dụng hành động quân sự, cái giá phải trả sẽ rất đắt, thậm chí ảnh hưởng quốc tế tiêu cực của hành động này đối với Hoa Lục còn lớn hơn cả phát động một cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan. Dưới đây là tổng hợp nội dung cơ bản của các bài viết này.

1- Rào cản chính trị: Tại khu vực Biển Đông, hiện nay có ba nước tồn tại bất đồng lớn nhất với Hoa Lục về lãnh hải và hải đảo là Việt Nam, Philippin và Malaixia, trong đó Việt Nam là hàng đầu. Vì thế, khả năng bùng nổ xung đột quân sự tại khu vực biển Đông chỉ có thể là Hoa Lục tấn công quân sự chiếm các đảo, bãi mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa (Hoa Lục gọil à Nam Sa). Còn khả năng Hoa Lục và Malaixia nổ ra xung đột quân sự do tranh chấp đảo Layan Layan (đá Hoa Lau) trong tương lai gần, cơ bản bằng không. Thế nhưng, vấn đề quan trọng là Hoa Lục áp dụng hành động quân sự quy mô lớn với Việt Nam, thế tất sẽ thiêu huỷ hoàn toàn hình tượng quốc tế “hoà bình phát triển” mà Hoa Lục tạo dựng trong gần 20 năm qua. Hệ quả là sự cảnh giác của Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản và cả Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN) đối với Hoa Lục sẽ tăng cao. – Gần đây, hợp tác và trao đổi quân sự giữa Mỹ với ASEAN và Việt Nam đã có những bước tiến lớn, một khi Hoa Lục áp dụng hành động quân sự, dư luận và báo chí chính thức của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác sẽ đứng về phía Việt Nam. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản thậm chí còn cung cấp cho Việt Nam chi viện về tình báo và hậu cần quân sự cho Việt Nam . Bên cạnh đó, “Học thuyết quân sự mới” của Ôxtrâylia cho rằng biển Đông chính là “biên cương lợi ích” của Ôxtrâylia sẽ có cớ phát triển. – Một khi chiến tranh bùng nổ, sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự thành lập chính thức của tập đoàn “NATO biển Đông”, bước đi Nam tiến của Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cũng sẽ trở thành hiện thực và tạo ra căn cứ hợp pháp để Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp. Hơn thế, tại khu vực này, tồn tại “Hiệp ước đồng minh Mỹ – Xinhgapo – Ôxtrâylia” và từ sau năm 1995, Mỹ cùng với 6 nước ASEAN là Philippin, Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Bruney tổ chức cuộc diễn tập quân sự hàng năm mang tên “Karat”, được mệnh danh là “Tập đoàn Karat” và trên thực tế đã trở thành quan hệ “chuẩn đồng minh”. – Quần đảo Trường Sa hiện nay, có một số đảo nằm sát bờ biển Malaixia, có một số đảo gần đường trung tuyến Việt Nam – Malaixia, cách Hoa Lục xa như vậy, nói là của Hoa Lục thật khó có sức thuyết phục. Do vậy, khi Hoa Lục áp dụng hành động quân sự, hình tượng quốc tế của các nước hữu quan, nhất là Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều so với Hoa Lục, theo đó các nước lớn châu Âu, thậm chí cả Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng đưa ra đề nghị cung cấp vũ khí cho Việt Nam, khiến cho nhân tố thiên thời và nhân hòa là bất lợi đối với Hoa Lục.

2- Rào cản về quân sự: Các nhà quan sát quân sự Bắc Kinh nêu rõ nhìn bề ngoài, so sánh sức mạnh quân sự giữa Hoa Lục với Việt Nam, phía Hoa Lục có vũ khí hiện đại mang tính áp đảo, nhất là ưu thế về số lượng và chất lượng tàu mặt nước, tàu ngầm cỡ lớn. Thế nhưng, phân tích sâu về học thuyết địa – quân sự, thực sự bùng nổ chiến tranh trên không và trên biển với Việt Nam, ưu thế sức mạnh quân sự không hẳn nghiêng về Hoa Lục. Bởi vì đặc điểm mới của chiến tranh kỹ thuật công nghệ cao với vũ khí tên lửa là không có khái niệm so sánh sức mạnh của nước mạnh, nước yếu. Theo đó, nước yếu có một số ít tên lửa hiện đại, trong chiến tranh trên biển và trên không, vẫn có thể dựa vào ưu thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa v.v. – So sánh cụ thể hơn, về hải quân và không quân của Hoa Lục tham gia cuộc chiến tranh này thành phần chính sẽ là Hạm đội Nam Hải (Bộ Tư lệnh đặt tại Trạm Giang, Quảng Châu). Còn Việt Nam lực lượng không quân được trang bị máy bay chiến đấu “Su-30MKV” và “Su-27SK/UBK”. Hải quân Việt Nam được trang bị phi đạn tốc độ cao “Molniya-12418” và tới đây có cả tàu ngầm “KILO-636”. Như vậy, xu thế so sánh sức mạnh tại biển Đông đang phát triển theo hướng bất lợi cho Hoa Lục. Trong tương lai gần, khi Hải quân Việt Nam đưa tàu ngầm “KILO- 636” vào sử dụng, quyền kiểm soát cục bộ dưới nước có thể sẽ nghiêng về phía Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Lục phải tính đến nhân tố máy bay chiến đấu “Su-30MKV” của không quân Việt Nam có thể sẽ được trang bị hoả tiễn siêu âm không đối hạm “BRAHMOS” (của Ấn Độ) và “YAKHONT” (của Nga) với tầm bắn đạt 300km. Về năng lực phòng không, Hoa Lục và Việt Nam đều được trang bị tên hỏa tiễn đối không “S-300PMU1”. Lực lượng phòng không của Việt Nam có 2 tiểu đoàn, còn con số này của Hoa Lục là 20. Thế nhưng, lực lượng này (của Hoa Lục) có căn cứ trên đất liền, do vậy vai trò có thể phát huy trong chiến tranh trên biển và không phận trên biển khá hạn chế.

3- Rào cản về địa lý: Toàn bộ 29 đảo, bãi mà Việt Nam kiểm soát hiện nay tại Trường Sa, cách đất liền từ 400 – 600 km. Tại khu vực này, Việt Nam có các căn cứ không quân tại vịnh Cam Ranh (Nha Trang), Đà Lạt (Lâm Đồng) và ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa số không phận tại khu vực tranh chấp này đều nằm trong tầm tác chiến của máy bay tấn công “Su-22” của không quân Việt Nam, chưa kể đến máy bay chiến đấu “Su-30MKV” và “Su-27SK” với bán kính tác chiến lên đến 1.500 km. Từ đó cho thấy cả Hoa Lục và Việt Nam đều có đủ năng lực tấn công tầm xa đối với các căn cứ hải quân trung tâm của đối phương.  Việt Nam đã xây dựng sân bay tại đảo Trường Sa. Nếu so sánh, không quân Hoa Lục kể cả cất cánh từ sân bay tại đảo Hải Nam, khoảng cách đường thẳng đối với 29 đảo bãi Việt Nam đang kiểm soát đã lên đến từ 1.200 – 1.300 km, còn cất cánh từ khu vực quần đảo Hoàng Sa, khoảng cách đến Trường Sa cũng lên đến từ 900 – 1.000 km… Điều này buộc máy bay chiến đấu “J-10” và “J-8D” và cả “Su-30MKK” và “Su-27SK” của Không quân Hoa Lục đều cần được tiếp dầu trên không mới có thể tham chiến. Tuy vậy, thời gian tác chiến trên vùng trời biển Đông so với máy bay chiến đấu cùng loại của không quân Việt Nam cũng ngắn hơn khoảng 50%. Khi chiến tranh bùng nổ, sân bay trên đảo Vĩnh Hưng (Hoàng Sa) và thậm chí cả sân bay trên đảo Hải Nam của không quân Hoa Lục nhiều khả năng trước tiên sẽ bị máy bay chiến đấu “Su-22” của không quân Việt Nam thực hiện tấn công phủ đầu. Căn cứ Toại Khê, Căn cứ Quế Lâm (Quảng Tây) của Sư đoàn không quân số 2 cũng nằm trong phạm vi bán kính tác chiến tấn công của máy bay chiến đấu “Su-30MKV” của Không quân Việt Nam. Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác là xung đột không chỉ hạn chế ở khu vực biển Đông, toàn bộ các mục tiêu chiến lược tại đảo Hải Nam, Hồng Kông, Côn Minh (Vân Nam) và Nam Ninh (Quảng Tây) đều nằm trong phạm vi bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu “Su-30MKV” của Không quân Việt Nam. Địa hình lãnh thổ của Việt Nam dài hẹp, máy bay “Su-27SK” và “J-10A” của Hoa Lục, sau khi tham chiến, trên đường bay trở về căn cứ tại đảo Hải Nam hay căn cứ Toại Khê, Quế Lâm (Quảng Tây), đều nằm trong tầm tác chiến của máy bay chiến đấu “MiG-21Bis” của Không quân Việt Nam cất cánh từ các căn cứ không quân miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Do vậy, MiG-21Bis của Việt Nam có thể cất cánh đánh chặn máy bay chiến đấu của Hoa Lục đã hết vũ khí và thiếu nhiên liệu vào bất cứ lúc nào.

4- Rào cản về chiến thuật: Máy bay chiến đấu “Su-22” của không quân Việt Nam có thể sẽ áp dụng chiến thuật không kích siêu thấp và có được sự yểm hộ hoả lực trong tấn công đảo, bãi. Vì thế, ngay cả khi Hoa Lục chiếm lĩnh được các đảo bãi Việt Nam đang kiểm soát hiện nay, bảo vệ lâu dài là vấn đề cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, Không quân Việt Nam áp dụng chiến thuật không kích tầm siêu thấp, sẽ tránh được sự theo dõi của các loại radar trên tàu mặt nước của Hoa Lục và trực tiếp tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn của hải quân Hoa Lục. Hải quân Việt Nam không có tàu mặt nước cỡ lớn, cho nên không ngại Hoa Lục áp dụng chiến thuật không kích tầm siêu thấp. Hơn thế, như vậy còn khiến cho tàu ngầm hiện đại của Hoa Lục không thể phát huy sức mạnh, chỉ có thể tấn công tàu vận tải của hải quân Việt Nam. Nhưng phán đoán từ loại tàu đổ bộ từ đất liền tiến ra đảo, bãi quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay, đa số là tàu vận tải cỡ nhỏ lớp từ 300 – 500 tấn trở xuống, hơn thế phần nhiều là được đóng bằng gỗ, cho nên điều động tàu ngầm hiện đại để tiêu diệt là không cần thiết

Nguồn: Viet-studies

VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

Thông tin báo chí chung Việt Nam – Trung Quốc
SGGP Online Chủ nhật, 26/06/2011, 16:02 (GMT+7)

Ngày 25-6 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của Lãnh đạo Việt Nam tới Lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề trên biển.

Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

TTXVN 

 

Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông

Tác giả: Hạnh Nguyên
Tuần Việt Nam.Net.: 27/06/2011 11:00 GMT+7

Tuần Việt Nam giới thiệu toàn văn bài trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc như một góc nhìn cần tham khảo.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan , nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã có buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền  hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong tư cách Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Một phần của bài trả lời phỏng vấn này đã được phát trong Chương trình liên tuyến “Nhất hổ nhất tịch đàm” được truyền phát đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25 /6/2011.

Phía Trung Quốc luôn leo lên trước

Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị một thái độ gì ?

Trả lời : Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ  không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều các tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.

Có lần tivi Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).

Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường.

Tàu hải giám Trung Quốc, đội tàu thường xuyên quấy nhiễu vùng biển Việt Nam

Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói.

Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.

Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán ?

Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra; tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung – Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).

Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phú hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.

Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.

Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại – tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành – sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.

Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có muốn một cuộc chiến tranh chứ ?

Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.

Bản chất của tranh chấp Trung – Việt

Bản chất của sự tranh chấp Trung – Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền ? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” như thế nào ?

Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi.

Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?

Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.

 

Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt – Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt – Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt – Trung.

Làm gì để duy trì quan hệ hữu hảo Việt – Trung?

Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung – Việt sẽ như thế nào ? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước ?

Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt – Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là “thân Trung Quốc” cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại.

Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.

Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:

Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác. Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà “song phương” ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa “con đường song phương”.

Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao ?

Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc.  Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt với lớn Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.

Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 – 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh?

Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm những liên minh ma quỷ để chống Trung Quốc.

Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi …

Để Biển Đông không nổi sóng, các bên cần thẳng thắn và thiện chí.

Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giếng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân  tôi là một người lính trong chiến tranh, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt.

Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến.

Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi – của riêng tôi thôi nhé – thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau.

Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không ? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì …

Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.

Trả lời phỏng vấn báo chí về việc Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa bài bình luận với những lời lẽ không chính đáng, mang tính chất đe dọa về vấn đề biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết:”Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra những bình luận thiếu thiện chí, không đúng với sự thật, và điều này hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước, gây ra những tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng Thời báo Hoàn cầu cũng chỉ là tiếng nói của một nhóm người nhất định, chứ không phải đại diện cho nhân dân Trung Quốc. Tôi tin rằng nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới đều không thể đồng tình và chia sẻ với những bình luận thiếu thiện chí như vậy của Thời báo Hoàn cầu”.

“Về phía Việt Nam, chúng ta bao giờ cũng nói rất rõ ràng về chủ trương giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc. Hai nước đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhân dân hai nước cũng như hai Đảng, hai nhà nước đều rất nỗ lực phát triển mối quan hệ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tôi tin rằng những bình luận thiếu thiện chí của tờ Thời báo Hoàn cầu đã không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân 2 nước” – bà Nga nói.

NGỌC PHƯƠNGNAM

Bình luận về bài viết này