Trạng Trình và khoa học dự báo

NGỌC PHƯƠNG NAM. Khoa học dự báo có một khoảng cách lớn so với mê tín bói toán. Đó là phép biến Dịch dựa vào trí tuệ siêu việt nhận thức được quy luật tự nhiên trời đất và con người được vận dụng một cách tài tình vào trong thực tiễn. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tiên tri thiên tài của khoa học dự bào đã được lịch sử kiểm chứng. Sấm Trạng Trình được xem là di sản văn hoá vô giá của dân tộc Việt , là cẩm nang ứng xử, xem xét và dự báo vận nước từ năm 1509 đến năm 2011 (phân phân tùng bách khởi). Hãy vận dụng Sấm ký nghiên cứu phép ứng xử và dự báo triển vọng  cho sự giải quyết tranh chấp chủ quyền, kinh tế, chính trị trên biển Đông? Lối giải đoán ví như câu trả lời của TS Vũ Cao Phan đã  trao đổi trên Đài truyền hình Phượng Hoàng ,Trung Quốc . Xin mời  đọc lại Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm và thử giải đoán: ” … 223- Phú quý hồng trần mộng. Bần cùng bạch phát sinh. Hoa thôn đa khuyển phệ. Mục giã giục nhân canh. Bắc hữu Kim thành tráng. Nam hữu Ngọc bích thành. Phân phân tùng bách khởi. Nhiễu nhiễu xuất đông chinh. Bảo giang thiên tử xuất. Bất chiến tự nhiên thành. 233- Rồi ra mới biết thánh minh…”
*
THUNG DUNG. Sấm ký (còn gọi Sấm Trạng Trình) là những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến năm 2011). Đây là những dự báo thiên tài, hợp lý, tùy thời, tự cường, hướng thiện và lạc quan theo lẽ tự nhiên “thuận thời thì an nhàn, trái thời thì vất vả”. “Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa” (lời Nguyễn Thiếp – danh sĩ thời Lê mạt). “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” (lời Chu Xán- sứ giả của triều Thanh). Sấm ký, giai thoại và giải đoán chứa đựng nhiều thú vị về một trí tuệ bậc Thầy kỳ tài muôn thuở, nặng lòng yêu nước  thương dân và sâu sắc hiếm thấy.

Sấm ký ở bản A có 262 câu, gồm 14 câu “cảm đề” và 248 câu “sấm ký”. Đây là bản trích ở bộ “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển” (tập 2) của Trịnh Văn Thanh – Sài Gòn – 1966. Ngoài bản A còn có ít nhất ba dị bản về sấm Trạng Trình. Tài liệu liên quan hiện có 20 văn bản, trong đó 7 bản là tiếng Hán Nôm lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội (trước đây là Viện Viễn Đông Bác Cổ) và Thư viện Quốc gia Hà Nội và 13 tựa sách quốc ngữ về sấm Trạng Trình xuất bản từ năm 1948 đến nay. Bản tiếng quốc ngữ phát hiện sớm nhất có lẽ là Bạch Vân Am thi văn tập in trong Quốc Học Tùng Thư năm 1930 mà hiện nay vẫn chưa tìm được.

Sấm ký gắn với những giai thoại và sự thật lịch sử. Nhiều nội dung trong sấm ký hiện đã được giải mã, chứng minh tính đúng đắn của những quy luật- dự đoán học trong Kinh Dịch và Thái Ất thần kinh”. (Đến nay đã có 36 giai thoại và sự thật lịch sử về Sấm Trạng Trình đã được giải mã mà chúng tôi sẽ lần lượt đăng trong các bài nghiên cứu tiếp theo).

Trước Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Phật Trần Nhân Tông (1258-1308) là người rất coi trọng phép biến Dịch. Người đã viết trong “Cư trần lạc đạo”: “Kinh Dịch xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu. Sách Nhàn đọc giấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim”.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Thái Ất thần kinh”, “Sấm ký”, “Bạch Vân Am thi văn tập”, “huyền thoại và di tích lịch sử” đã lưu lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại một tài sản văn hoá vô giá.

CẢM ĐỀ

Nguyễn Bỉnh Khiêm

1- Thanh nhàn vô sự là tiên
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi
Cơ tạo hoá
Phép đổi dời
Đầu non mây khói tỏa
Mặt nước cánh buồm trôi
Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi
Lầu Hán trăng lên ngẫm mệnh trời
Tuổi già thua kém bạn
Văn chương gửi lại đời
Dở hay nên tự lòng người cả
Nghiên bút soi hoa chép mấy lời
Bí truyền cho con cháu
Dành hậu thế xem chơi.

SẤM KÝ

15- Nước Nam từ họ Hồng Bàng
Biển dâu cuộc thế, giang sơn đổi dời
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần thuở trước
Đã bao lần ngôi nước đổi thay
Núi sông thiên định đặt bày
Đồ thư một quyển xem nay mới rành

21- Hoà đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Đông A xuất nhập
Dị mộc tái sinh.

25- Chấn cung xuất nhật
Đoài cung vẫn tinh.
Phụ nguyên trì thống,
Phế đế vi đinh.

29- Thập niên dư chiến,
Thiên hạ cửu bình.
Lời thần trước đã ứng linh,
Hậu lai phải đoán cho minh mới tường.

33- Hoà đao mộc hồi dương sống lại
Bắc Nam thời thế đại nhiễu nhương.
Hà thời biện lại vi vương,
Thử thời Bắc tận Nam trường xuất bôn.

37- Lê tồn, Trịnh tại,
Lê bại, Trịnh vong.
Bao giờ ngựa đá sang sông,
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng.
Hà thời thạch mã độ giang.
Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu.

43- Chim bằng cất cánh về đâu?
Chết tại trên đầu hai chữ quận công.
Bao giờ trúc mọc qua sông,
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây.

47- Đoài cung một sớm đổi thay,
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn.
Đầu cha lộn xuống chân con,
Mười bốn năm tròn hết số thời thôi.

51- Phụ nguyên chính thống hẳn hoi,
Tin dê lại phải mắc mồi đàn dê.
Dục lòng chim chích u mê,
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.

55- Để loại quỷ bạch Nam xâm,
Làm cho trăm họ khổ trầm lưu ly
Ngai vàng gặp buổi khuynh nguy
Gia đình một ở ba đi dần dần.
Cho hay những gã công hầu,
Giầu sang biết gửi nơi đâu chuyến này.

61- Kìa kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc, rung Nam, Đông tới Tây
Tan tác kiến kiều an đất nước
Xác xơ cổ thụ sạch am mây.

65- Lâm giang nổi sóng mù thao cát,
Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy.
Một ngựa một yên ai sùng bái?
Nhắn con nhà vĩnh bảo cho hay.

69- Tiền ma bạc quỷ trao tay
Đồ, Môn, Nghệ, Thái dẫy đầy can qua,
Giữa năm hai bẩy mười ba,
Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây.

73- Rồng nằm bể cạn dễ ai hay,
Rắn mới hai đầu khó chịu thay,
Ngựa đã gác yên không người cưỡi
Dê không ăn lộc ngoảnh về Tây.

77- Khỉ nọ ôm con ngồi khóc mếu
Gà kia vỗ cánh chập chùng bay
Chó nọ vẫy đuôi mừng thánh chúa
Ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày.

81- Nói cho hay khảm cung ong dậy,
Chí anh hùng biết đấy mới ngoan.
Chữ rằng lục, thất nguyệt gian
Ai mà giữ được mới nên anh tài.

85- Ra tay điều độ hộ mai
Bấy giờ mới rõ là người an dân
Lọ là phải nhọc kéo quân,
Thấy nhân ai chẳng mến nhân tìm về.

89- Phá điền than đến đàn dê
Hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng
Dê đi dê lại tuồn luồn
Đàn đi nó cũng một môn phù trì

93- Thương những kẻ nam nhi chí cả
Chớ vội sang tất tả chạy rong
Học cho biết chữ cát hung
Biết phương hướng đứng chớ đừng lầm chi
Hễ trời sinh xuống phải thì
Bất kỳ nhi ngộ tưởng gì đợi mong.

99- Kìa những kẻ vội lòng phú quý
Xem trong mình một tí đều không
Ví dù có gặp ngư ông
Lưới dăng đâu dễ nên công mà hòng.

103- Khuyên những đấng thời trung quân tử
Lòng trung nghi nên giữ cho mình
Âm dương cơ ngẫu hộ sinh
Thái Nhâm, Thái Ất trong mình cho hay.
Chớ vật vờ quen loài ong kiến
Hư vô bàn miệng tiếng nói không.

109- Ô hô thế sự tự bình bồng
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông
Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch
Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng.

113- Kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc
Ngưu xuất lam điền nhật chính đông
Nhược đãi ưng lai sư tử thượng
Tứ phương thiên hạ thái bình phong.

117- Ngỡ may gặp hội mây rồng
Công danh rạng rỡ chép trong vân đài
Nước Nam thường có thánh tài
Sơn hà đặt vững ai hay tỏ tường?

121- So mấy lề để tàng kim quỹ
Kể sau này ngu bỉ được coi
Đôi phen đất lở, cát bồi
Đó đây ong kiến, dậy trời quỷ ma

125- Ba con đổi lấy một cha
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền
Mão Thìn Tí Ngọ bất yên
Đợi tam tứ ngũ lai niên cùng gần.

129- Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân
Đến thời thiên hạ vô quân
Làm vua chẳng dễ, làm dân chẳng lành.

133- Gà kêu cho khỉ dậy nhanh
Phụ nguyên số đã rành rành cáo chung
Thiên sinh hữu nhất anh hùng
Cứu dân độ thế trừ hung diệt tà.

137- Thái Nguyên cận Bắc đường xa
Ai mà tìm thấy mới là thần minh
Uy nghi dung mạo khác hình
Thác cư một góc kim tinh non đoài

141- Cùng nhau khuya sớm chăn nuôi
Chờ cơ mới sẽ ra đời cứu dân
Binh thư mấy quyển kinh luân
Thiên văn địa lý, nhân dân phép màu

145- Xem ý trời ngõ hầu khải thánh
Dốc sinh ra điều đỉnh hộ mai
Song thiên nhật nguyệt sáng soi
Thánh nhân chẳng biết thì coi như tường

149- Thông minh kim cổ khác thường
Thuấn Nghiêu là trí, Cao Quang là tài
Đấng hiên ngang nào ai biết trước
Tài lược thao uyên bác vũ văn
Ai còn khoe trí khoe năng
Cấm kia bắt nọ hung hăng với người.

155- Chưa từng thấy nay đời sự lạ
Chốc lại mòng gá vạ cho dân
Muốn bình sao chẳng lấy nhân
Muốn yên sao lại bắt dân ghê mình?

159- Đã ngu dại Hoàn, Linh đời Hán
Lại đua nhau quần thán đồ lê
Chức này quyền nọ say mê
Làm cho thiên hạ khôn bề tựa nương
Kẻ thì phải thuở hung hoang
Kẻ thì bận của bổng toan, khốn mình

165- Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An

169- Nực cười những kẻ bàng quang
Cờ tam lại muốn toan đường chống xe
Lại còn áo mũ xun xoe
Còn ra xe ngựa màu mè khoe khoang.

173- Ghê thay thau lẫn với vàng
Vàng kia thử lửa càng cao giá vàng
Thánh ra tuyết tán mây tan
Bây giờ mới sáng rõ ràng nơi nơi.

177- Can qua, việc nước bời bời
Trên thuận ý trời, dưới đẹp lòng dân
Oai phong khấp quỷ kinh thần
Nhân nghĩa xa gần bách tính ngợi ca

181- Rừng xanh, núi đỏ bao la
Đông tàn, Tây bại sang gà mới yên
Sửu Dần thiên hạ đảo điên
Ngày nay thiên số vận niên rành rành.

185- Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình

189- Sự đời tính đã phân minh
Thanh nhàn mới kểchyện mình trước sau
Đầu thu gà gáy xôn xao
Mặt trăng xưa sáng tỏ vào Thăng Long.

193- Chó kêu ầm ỉ mùa đông
Cha con Nguyễn lại bế bồng nhau đi
Lợn kêu tình thế lâm nguy
Quỷ vương chết giữa đường đi trên giời

197- Chuột sa chỉnh gạo nằm chơi
Trâu cày ngốc lại chào đời bước ra
Hùm gầm khắp nẽo gần xa
Mèo kêu rợn tiếng, quỷ ma tơi bời.

201- Rồng bay năm vẻ sáng ngời
Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng
Ngựa hồng quỷ mới nhăn răng
Cha con dòng họ thầy tăng hết thời

205- Chín con rồng lộn khắp nơi
Nhện giăng lưới gạch dại thời mắc mưu
Lời truyền để lại bấy nhiêu
Phương đoài giặc đã đến chiều bại vong
Hậu sinh thuộc lấy làm lòng
Đến khi ngộ biến đường trong giữ mình.

211- Đầu can Võ tướng ra binh
Ắt là trăm họ thái bình âu ca
Thần Kinh Thái Ất suy ra
Để dành con cháu đem ra nghiệm bàn

215- Ngày thường xem thấy quyển vàng
Của riêng bảo ngọc để tàng xem chơi
Bởi Thái Ất thấy lạ đời
Ấy thuở sấm trời vô giá thập phân

219- Kể từ đời Lạc Long Quân
Đắp đổi xoay vần đến lục thất gian
Mỗi đời có một tôi ngoan
Giúp chung nhà nước dân an thái bình

223- Phú quý hồng trần mộng
Bần cùng bạch phát sinh
Hoa thôn đa khuyển phệ
Mục giã giục nhân canh
Bắc hữu Kim thành tráng
Nam hữu Ngọc bích thành
Phân phân tùng bách khởi
Nhiễu nhiễu xuất đông chinh
Bảo giang thiên tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành

233- Rồi ra mới biết thánh minh
Mừng đời được lúc hiển vinh reo hò
Nhị Hà một dải quanh co
Chính thực chốn ấy đế đô hoàng bào
Khắp hoà thiên hạ nao nao
Cá gặp mưa rào có thích cùng chăng?

239- Nói đến độ thầy tăng mở nước
Đám quỷ kia xuôi ngược đến đâu
Bấy lâu những cậy phép màu
Bây giờ phép ấy để lâu không hào

243- Cũng có kẻ non trèo biển lội
Lánh mình vào ở nội Ngô Tề
Có thầy Nhân Thập đi về
Tả hữu phù trì, cây cỏ thành binh

247- Những người phụ giúp thánh minh
Quân tiên xướng nghĩa chẳng tàn hại ai
Phùng thời nay hội thái lai
Can qua chiến trận để người thưởng công

251- Trẻ già được biết sự lòng
Ghi làm một bản để hòng giở xem
Đời này những thánh cùng tiên
Sinh những người hiền trị nước an dân

255- Này những lúc thánh nhân chưa lại
Chó còn nằm đầu khải cuối thu
Khuyên ai sớm biết khuông phù
Giúp cho thiên hạ Đường, Ngu ngỏ hầu.

259- Cơ tạo hoá phép mầu khôn tỏ,
Cuộc tàn rồi mới tỏ thấp cao.
Thấy sấm từ đây chép vào
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.

GIAI THOẠI

Bao giờ Tiên Lãng chia đôi
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Bí mật về Sấm Trạng Trình, Chu Nguyễn Trích Những giai thoại Trạng Trình
trong Tuyết Giang Phu Tử của Chu Thiên.
Chuyện chưa kể về sự “trở lại” của sấm Trạng Trình Nguyễn Thuỵ Kha

DỊ BẢN

Sấm Trạng Trình – Chân Thuyên , Việt Lý Số.
Sấm Trạng Trình tại VietScience
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và lời Sấm

GIẢI ĐOÁN

Sấm Trạng Trình Wikipedia tiếng Việt
Sấm Trạng Trình: bình luận, Nguyên Kha diễn đàn lý học Đông Phương
Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm suy đoán tiến sĩ nxhuy (Nguyễn Xuân Huy?)
Bình Giải Sấm Trạng Trình
Sấm Trạng Trình Thư Viện EBook

Hoàng Kim
(Sưu tầm, khảo cứu, tổng hợp)

4 thoughts on “Trạng Trình và khoa học dự báo

  1. Bài thơ Vận Nước nói gì ?
    Lê Thiếu Nhơn
    Chúng ta đều biết thơ của các Thiền sư thường rất kiệm lời. Tuy nhiên, lời ít nhưng tình ý phải nhiều, tối thiểu ngôn từ, tối đa cảm xúc, ý ở ngoài lời, đó mới chính là tiêu chí, là chỗ vi diệu của thơ. Các thi nhân đời trước thường phải phấn đấu, phải lao tâm khổ tứ rất nhiều trong lao động nghệ thuật, mới mong đạt đến cái đích của thơ hay. Mà cái hay tột đỉnh của thơ, bao giờ và cuối cùng, cũng phải nhắm tới sự giản dị và chân thành. Do vậy, những thi phẩm đặc sắc còn lại mãi với thời gian, đều rất giản dị, mà đọc mãi không chán, nghĩ mãi chưa hết! Thiền sư Pháp Thuận (915-990) có bài thơ “Vận nước” được Đoàn Thăng dịch như sau: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Chốn chốn dứt đao binh”

    BÀI THƠ QUỐC TỘ NÓI GÌ?

    VŨ BÌNH LỤC

    Ở nước ta, thơ Thiền thịnh hành ở thời Lý-Trần. Đến nay, phần nhiều đã thất lạc, do binh lửa liên miên, lại cũng vì bọn xâm lược phương Bắc dã tâm tàn phá nền văn hoá của ta, nên chúng liên tục tìm mọi cách huỷ diệt. Một số bài thơ Thiền còn sót lại đến ngày ngay, dẫu là ít ỏi, nhưng cũng thật đáng quý vô cùng!
    Xin nói đôi điều về bài thơ QUỐC TỘ (Vận nước) của Thiền sư Pháp Thuận (915-990).
    Phiên âm:
    Quốc tộ như đằng lạc,
    Nam thiên lý thái bình.
    Vô vi cư điện các
    Xứ xứ tức đao binh.
    Dịch nghĩa:
    Vận nước như dây mây leo quấn quýt
    Ở cõi trời Nam (mở ra) cảnh thái bình.
    Vô vi ở nơi cung điện
    (Thì) khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.
    Và đây là bản dịch thơ của Đoàn Thăng:
    Vận nước như mây quấn,
    Trời Nam mở thái bình.
    Vô vi trên điện các,
    Chốn chốn dứt đao binh.

    Một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, đúng với nghĩa là bốn câu tuyệt diệu, dịch ra tiếng ta bây giờ cũng không lấy gì làm hiểm hóc, khó khăn cho lắm. Dịch giả Đoàn Thăng có lẽ cũng không mấy khó nhọc để dịch thành công bài thơ này. Nhưng tôi thực lòng cũng muốn đổi chữ “trên” của bản dịch thơ về với đúng nghĩa của nó, nghĩa là phải dùng chữ “nơi” (Vô vi nơi điện các) thì mới tỏ được thâm ý nhấn mạnh vai trò chủ thể của tác giả.

    Không được quên rằng đây là bài thơ mà Thiền sư Pháp Thuận viết để giả nhời vua Lê Đại Hành, khi nhà vua hỏi Thiền sư về việc nước. Thời Lý, các Thiền sư thường có vai trò rất lớn trong việc cố vấn chính sự cho các vị vua. Đơn giản vì các Thiền sư thường học rộng biết nhiều, kiến văn thâm hậu, đương nhiên bao giờ họ cũng là chỗ dựa tinh thần cho các vị vua, nhất là những ông vua xuất thân võ tướng, chỉ giỏi việc binh, còn việc trị nước thì ít người tài. Ấy là chưa nói sau đó lại còn có vị Thiền sư như Vạn Hạnh, tính toán việc đời như thần, sắp đặt cả giang sơn cho triều Lý con cháu ông một cách hoàn hảo, phải nói thêm là hoàn hảo đến mức tuyệt vời!

    Hai câu đầu của bài Quốc tộ, tác giả viết: “Vận nước như đằng lạc / Nam thiên lý thái bình” (Vận nước như dây mây quấn/ Trời Nam mở ra muôn dặm thái bình). Chữ Quốc tộ có thể hiểu là Vận nước, cũng có thể hiểu là việc nước, vận may của quốc gia, hoặc chỉ chính cái ngai vàng nhà vua đang ngự…Nhưng đây là câu hỏi của Lê Hoàn về việc nước, về vận mệnh của triều đại, đồng nghĩa với vận mệnh quốc gia, nên Thiền sư Pháp Thuận mới giả nhời rằng, khẳng định rằng “Vận nước như dây mây quấn quýt” lấy nhau, hết sức bền chặt. Quấn quýt, nhưng không phải là rối rắm, mà vẫn mạch lạc giường mối, trong ngoài hanh thông, chặt chẽ và vững bền. Có như thế và được như thế, thì ở cõi trời Nam này sẽ mở ra muôn dặm thái bình, bách tính mừng rỡ ca vui hoà hợp. Đó cũng là cái nhân và cái quả biểu hiện bằng giá trị sự linh diệu linh ứng của trời đất vậy!

    Hai câu cuối: “Vô vi cư điện các / Xứ xứ tức đao binh” (Ở nơi cung điện mà vô vi / thì tất cả mọi nơi đều dứt hết chuyện đao binh)…
    Vô vi là một thuật ngữ trong Đạo đức kinh của Lão Tử, là một triết thuyết của Đạo Lão. Vô vi không có nghĩa là không làm gì cả, mà có nghĩa là thuận theo tự nhiên, không làm trái với tự nhiên. Đạo cũng chính là bản nguyên của vũ trụ. Nhưng với Nho giáo của Khổng Tử thì vô vi được hiểu như là hệ quả của một nền chính trị tốt đẹp và ngược lại, một nền chính trị tốt đẹp, phải đạt tới vô vi! Khổng Tử viết trong Luận Ngữ: “Vô vi nhi trị giả, kỳ Thuấn dã dư?” (vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?). Thuấn và Nghiêu là hai vị vua hiền. Ở thời Nghiêu và Thuấn, thiên hạ an lạc, ra đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không phải đóng cửa, người người ấm no, vua nhàn nhã ngồi mà cai trị, chả phải khó nhọc gì. Chu Hi còn chú giải thêm cho rõ ý Khổng Tử: “Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh, nên cảm hoá được nhân dân, không phải làm gì hơn”… Xem thế thì đủ biết Thiền sư họ Đỗ dùng chữ Vô vi ở đây với đầy đủ các nghĩa của chữ này. Nghĩa là ở chính cái ngai vàng mà nhà vua đang ngự, ở chính nơi điện các này của nhà vua mà thực hiện được vô vi, mà đạt được đến vô vi, thì hiển nhiên “xứ xứ dứt binh đao” thiên hạ sẽ thái bình, đất nước sẽ vững bền như dây mây quấn quýt.

    Toàn bộ bài thơ bốn câu được cấu trúc bởi hai cặp Nhân -Quả, theo quan niệm phổ biến của Phật giáo. Nó là khẳng định, nhưng nó cũng là giả định. Một vấn đề chính sự lớn lao như thế, bề bộn như thế, vẫn có thể là rất nhẹ nhàng, nếu như thuận theo lẽ trời (tự nhiên), thuận theo lòng người (tự nhiên). Thiền sư muốn nhắc nhở người cầm quyền tối thượng, đang ngồi trên ngai vàng kia, nếu như có đức lớn, thực hiện được vô vi, trước hết là ở nơi điện các ( hiểu rộng ra tức tầng lớp lãnh đạo cao cấp) thì đất nước sẽ thái bình, vững mạnh. Ngày Nghiêu tháng Thuấn, điều ấy chẳng phải gắng sức khổ công, cũng tự nhiên phải đến, như một quy luật tất yếu của muôn đời vậy! Thế nhưng, lời nhắc khéo, lời khuyến cáo chân thành của vị Thiền sư đáng kính có kết quả thế nào sau đó? Chỉ biết rằng sau khi Lê Hoàn mất, các con ông chính là những kẻ ăn tàn phá hại, giết nhau tranh quyền đoạt lợi, chỉ nghĩ đến cái thú vui của lũ nghiệt súc, đắm chìm trong váy lĩnh quần hồng, nên mới có cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, xảy ra chính nơi điện các mà vị tiên đế Lê Hoàn từng nghe “thỉnh giảng”.

    Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai mươi chữ, mà chứa chất nhiều tư tưởng lớn ở tầm vĩ mô, lại được diễn đạt bằng một hình thức hết sức giản dị. Tiếc thay, triều Tiền Lê không thực hiện được mong ước của Thiền sư, không thực hiện được vô vi ở nơi điện các, nên chỉ tồn tại được một thời gian ngắn ngủi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn! Người xưa nói chẳng có sai. Những người cầm quyền, chèo lái con thuyền đất nước (nơi điện các) mà bất chính, vô đạo, thì không chỉ có loạn ở nơi điện các, mà còn là khiến trăm họ phải chịu cảnh lầm than, tạo cơ hội cho kẻ thù ngoại bang dòm ngó! Tình ý của bài thơ sâu sắc lắm thay! Và vẫn còn tươi mới lắm thay!

  2. Đã cố dữ phúc cho hậu thế.
    Với đời chẵng dám nặng bon chen
    Dẫu có đói nghèo quanh năm nợ
    Con lớn hiền ngoan cũng ấm lòng
    Bố gánh nợ trần đành viễn xứ
    Tảo tần mẹ chiụ cãnh gieo neo.

    Bao giờ rũ cánh con khôn lớn.
    Trời bớt cùm gông nhẹ nợ nần
    Chữ hiếu báo công bình thiên hạ
    Mong đền đáp lại nghiã sinh thành.

    Chia tay vẫn biết còn gian khó.
    Nghiệp lớn trên giao chưa sớm thành
    Thôi mình ở lại chăm con nhé.
    Bố quyết lên đường giúp thế gian.

    Xua binh ngăn tướng vốn không quen
    Nay mượn sách trời quyết một phen
    Bốn phiá đất trời yên biển lặng
    Con dại tìm về đất quê cha.

  3. LUẬT SIÊU NHIÊN
    Luật siêu nhiên chuyển hoá siêu nhiên .
    Nhân khỗ luyện không quyền không cước.
    Người khỗ hạnh mà thành mơ ước.
    Mật khâũ riêng vạn biến trong đời
    Luật siêu nhiên nhân quã chuyễn vần.
    Lần theo dấu chân trần muôn kiếp.
    Cam chiụ nhục mà dần chuyễn tiếp.
    Thành siêu nhiên diệu vợi dung huyền.
    Trí dũng đâu đũ sức vung quyền.
    Đức nhân hoá tự ta trông thấy.
    Ai theo luật rồi đây cho thấy
    Tự tâm nguyền vạn biến chiều theo.

  4. là ta đây. Gữi lời chúc tết đầu xuân.
    Về với nước nhà với muôn dân
    Thiên hạ qua thời binh lữa loạn.
    Nước nhà hưng thịnh bước khang trang
    Khoa học vẽ đường xây no ấm.
    Đạo nhà giữ nếp sống gia phong
    Sách trời vẽ lối tìm chân lý
    Thế giới cùng chung phép trị bình
    Đâu đó sai lầm cần tĩnh mộng
    Nghe thơ sớm nhé biết quay đầu
    Thái bình trần thế cần công lý
    Cao Đài phỗ độ phát tam kỳ
    NGUYỄN KỲ LƯU

Bình luận về bài viết này